Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Nhiều ĐBQH đã đề nghị cần xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai và các công trình kết hợp phòng, chống thiên tai.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại Hội trường.
ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng, việc quy định chính sách ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết. Để giảm thiểu thiên tai, cần xây dựng các công trình phòng, chống. Tuy nhiên do nguồn lực quốc gia có hạn nên theo ông Trí, cần ưu tiên xây dựng một số công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết nhất. Trong giai đoạn hiện nay rất cần đầu tư xây dựng các công trình ao, hồ điều tiết nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó với hạn hán, chống ngập lụt, chủ động nguồn nước tưới và nguồn nước sinh hoạt, không bị động bởi các đập thủy điện trên sông Mê Kông.
Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Dự thảo luật đã đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề mới phát sinh, có những quy định chặt chẽ phù hợp thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính chủ động trong phòng chống và giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra. Tuy nhiên ông Thành cho rằng, Dự thảo luật cần phải tiếp cận rộng hơn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Ngoài ra, Dự thảo luật cần bổ sung thêm các điều khoản quy định về ứng phó với các loại hình thiên tai đã được quy định trong luật hiện hành như hạn hán, rét đậm, sương muối để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Liên quan đến ngân sách phòng chống thiên tai, ông Thành cho rằng cần bổ sung kế hoạch trung hạn và quỹ dự trữ tài chính vào ngân sách để bảo đảm hoạt động phòng chống thiên tai trên thực tiễn và phù hợp với luật hiện hành. Bởi việc bố trí nguồn ngân sách bảo đảm sự chủ động và giải quyết kịp thời những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn khi thiên tai xảy ra cũng như yêu cầu xây dựng các công trình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, việc quản lý nhà nước ở các khu vực bãi bồi, cù lao, bãi sông rất khó khăn, bất cập, thậm chí buông lỏng nên có nhiều vi phạm xảy ra chưa được xử lý nghiêm do liên quan đến các luật khác, do e ngại, nể nang. Thực tế, bãi bồi, cù lao là do chính quyền cấp xã quản lý, giao cho người dân thuê có thời hạn và mục đích sử dụng cho nông nghiệp, phi nông nghiệp. Do đó đã có nơi bị người dân chiếm dụng xây dựng nhà dân sinh, công trình dân dụng không phép.
Theo ông Hòa, việc khai thác cát, sỏi, khoáng sản trong phạm vi đê đã ảnh hưởng đến dòng chảy, gây xói mòn đê nên Dự thảo luật sửa đổi phải có quy định cụ thể, tránh việc sử dụng cù lão, bãi bồi, lòng sông không an toàn cho đê. Các quy định này cần được dễ dàng thực hiện, không bị ràng buộc bởi các luật khác, tránh tình trạng người dân tự phát sử dụng, gây khó khăn cho công tác xử lý của các cơ quan chức năng.
Giải trình trước các vấn đề ĐBQH đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiên tai thường gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và tính mạng con người, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra tác động của biến đổi khí hậu, làm cho tốc độ thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra. Do đó, Dự thảo luật đã được xây dựng theo các quy định của Luật Xây dựng văn bản pháp luật và sự tham gia rộng rãi của các tổ chức cá nhân. Ông Cường cũng khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các nội dung đóng góp để cùng với cơ quan thẩm định của Quốc hội, các cơ quan hữu quan hoàn thiện Dự thảo luật với chất lượng tốt nhất.