Theo GS. TS Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, rất nhiều điều Bác dặn trước lúc đi xa nhưng điều đầu tiên Bác đặc biệt lưu ý chính là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu quân đội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, năm 1960.
“Tôi tự nguyện hiến đời tôi cho dân tộc”
50 mươi năm đã đi qua kể từ khi Người “rời cõi tạm”, trở về thế giới người hiền. Đó cũng là 50 năm chúng ta biết đến “Tài liệu tuyệt đối bí mật” mà Người viết từ lúc 75 tuổi với tất cả sự minh mẫn, thông tuệ của bậc Đại Trí - Đại Nhân - Đại Dũng, của một con người có “tâm hồn lộng gió thời đại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời lạc quan tin tưởng vào tương lai của cách mạng, khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi, đế quốc Mỹ xâm lược nhất định thua, bởi Người nắm chắc xu thế của lịch sử. Thông thường, con người ta khi viết Di chúc bao giờ cũng mang theo tâm trạng buồn, bởi sự sống hữu hạn của một bản thể đã sắp hết và cái chết đang đến gần. Vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc để mừng sinh nhật 75 tuổi, tỉnh táo và mẫn tiệp biết rằng mình đã thuộc lớp người xưa nay hiếm, “nhân sinh thất thập cổ lai hy” nên thanh thản viết sẵn mấy lời để lại cho đồng bào và các đồng chí trong Đảng. Không biết trên đời này còn có ai như Chủ tịch Hồ Chí Minh, chọn dịp sinh nhật để viết di chúc, để vui chứ không buồn!
Có thể nói, Di chúc Hồ Chí Minh mang tầm cao tư tưởng của một lãnh tụ kiệt xuất - Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Lý luận là hạt nhân của tư tưởng và chỉ với 1.000 từ, Người đã làm một tổng kết lớn lý luận và thực tiễn về cách mạng Việt Nam, về sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mà Người một đời gắn bó, dấn thân và dâng hiến. Đã bao lần Người trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài. Những ngày đầu của chính thể Cộng hòa dân chủ mới ra đời, một nhà báo hỏi Người: “Đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Chủ tịch?”. Người đã trả lời thật rành rọt: “Độc lập cho Tổ quốc tôi. Tự do, hạnh phúc cho dân tộc và đồng bào tôi. Đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”. Vậy là Người đã lựa chọn và khẳng định một lẽ sống, một hệ giá trị cốt lõi của phát triển: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Vào cuối đời, lại một nhà báo phỏng vấn Người, rằng, đối với Người, đâu là điều thiêng liêng nhất? Câu trả lời của Người thật ngắn gọn, cao cả và thiêng liêng, “Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho Dân tộc tôi, cho Nhân dân tôi và cho cả nhân loại”.
Người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng trở thành chủ đề nổi bật, lớn nhất trong sự quan tâm thường trực suốt đời của người, từ đầu với “Đường cách mệnh” (năm 1927) đến cuối với “Di chúc” (1965 – 1969). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là đạo đức hành động chứ không chỉ tu tâm dưỡng tính cho riêng bản thân mình nên trong một đoạn ngắn nói về Đảng cầm quyền mà Người coi đây là điều dặn trước hết, trên hết, Người nói tới đoàn kết, Người căn dặn, đây là truyền thống quý báu của dân tộc, của Đảng, “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Đặc biệt là bốn lần Người nhắc tới chữ “Thật” khi nói về Đảng cầm quyền: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Khi dặn dò về xây dựng Đảng, Người nhấn mạnh, ngay sau ngày cách mạng toàn thắng, việc đầu tiên phải làm là “tập trung chỉnh đốn lại Đảng”. Đó là dự báo chiến lược mà trong đó có cả minh triết trực giác đầy mẫn cảm của Người. Điều đó cũng trùng hợp với khát vọng của Người, vì “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” cho nhân dân. Trong đó, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xem là một trọng điểm.
Thực hiện theo lời căn dặn của Người trong Di chúc về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tại Đại hội XII, Bộ Chính trị có chỉ thị rất quan trọng, đó là Chỉ thị 05/CT-TƯ: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo đó, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả, bền vững, có tác dụng lan tỏa rộng rãi tạo được chuyển biến trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì phải chống bệnh hình thức, phô trương, lãng phí, tốn kém. Phải chú trọng vào sự gương mẫu của các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau.
Cùng với đó, phải chú trọng giáo dục nhận thức đi liền với bồi dưỡng tình cảm, cảm xúc và biểu hiện thành hành động. Có nhiều việc tốt, người tốt. “Hãy nhớ lời Bác, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp. Phải chú trọng hành động thực tiễn, nêu gương người tốt việc tốt. Các điển hình cá nhân và tập thể”. Đặc biệt, để việc học Bác đạt được hiệu quả cao, trước hết đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải nâng cao trình độ đồng thời nâng cao trách nhiệm. Bên cạnh đó cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhận thức thường xuyên trong Đảng.
Trung ương cũng đã có quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao – cấp chiến lược. Việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức, đẩy lùi và tẩy trừ tham nhũng, khắc phục và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói là trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, bất kể chúng ở cương vị gì, chúng làm gì. Mà bây giờ Đảng ta gọi là không có vùng cấm. Trừng trị cái ác chính là vì bảo vệ cái thiện. Cái thiện lớn nhất là nhân dân, vì dân mà phải trừng trị những cái ác đối với dân, những tổn hại đối với dân. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn trong Đảng theo Di chúc của Bác đó là cách thiết thực nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng. Niềm tin của dân, đó là tài sản tinh thần vô giá của Đảng.