Theo báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2017” do Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐTB&XH) công bố mới đây, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo được cải thiện nhanh chóng.
Cụ thể tính theo thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 11,1 % năm 2012 xuống còn 5,8% năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo thu nhập giảm nhanh ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Cùng với đó nhằm trợ giúp người cao tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp BHXH cũng như các đối tượng bảo trợkhác, Việt Nam đã chủ động thực hiện chế độ trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho những đối tượng này.
Trong 5 năm qua chế độ trợ cấp hàng tháng cho đối tượng đã được cải tiến và nâng lên đáng kể. Năm 2016 trên 2,68 triệu người hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng. Năm 2016 số người cao tuổi thuộc hộnghèo và người trên 80 tuổi được hưởng lương hưu xã hội chiếm gần 56,9% tổng số đối tượng nhận trợ cấp hàng tháng, người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo chiếm gần 5,3%...
Đáng chú ý từ năm 2016, Việt Nam chuyển đổi phương pháp lo lường nghèo, từ tiếp cận đơn chiều sang đa chiều nhằm kiểm soát diễn biến nghèo một cách toàn diện và có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả và kịp thời, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy vậy, hệ số GINI (độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) có xu hướng tăng ở những vùng kém phát triển hơn, đặc biệt ở Tây Nguyên. Đây cũng là vùng có hệ số GINI cao nhất nước vào năm 2016.
Theo TS Đào Quang Vinh, để nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách để giảm thiểu chi phí quản lý cũng như vấn đề lạm dụng và trục lợi chính sách có thể xảy ra.