Ngày 18/1, tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2022, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã quán triệt, triển khai Kết luận của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về tăng cường công tác bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ, việc quán triệt, triển khai Kết luận của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách MTTQ Việt Nam các cấp và cán bộ Mặt trận ở cơ sở có trình độ lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn; nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm, tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam; có kiến thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động của Mặt trận nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân.
Thông qua công tác bồi dưỡng cũng góp phần giúp các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hiểu thêm về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm, tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam hiện nay.
Về các nhiệm vụ và giải pháp để tăng cường công tác bồi dưỡng, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức chung về công tác Mặt trận. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo lĩnh vực công tác Mặt trận được xây dựng chuyên sâu theo từng lĩnh vực công tác của Mặt trận (công tác phong trào, công tác dân chủ-pháp luật, công tác tuyên giáo, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, công tác đối ngoại nhân dân, công tác kiều bào, công tác tổ chức-cán bộ, công tác văn phòng). Mỗi lĩnh vực công tác xây dựng thành nhiều chuyên đề cụ thể, bảo đảm phù hợp thực tiễn của Mặt trận.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ đạo xây dựng đội ngũ giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng) và hướng dẫn Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của cấp mình; Quy định rõ trách nhiệm tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng cán bộ Mặt trận đối với các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp Trung ương, tỉnh, huyện; lãnh đạo các ban, đơn vị của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trung ương và cấp tỉnh; các đồng chí có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên.
Trên cơ sở Đề án đã được phê duyệt, Ban Thường trực xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức thực hiện Đề án. Tăng cường liên kết, phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận; thực hiện đổi mới phương pháp bồi dưỡng, tập huấn theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành, áp dụng phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động của học viên.
Đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, tập huấn. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tổ chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Mặt trận theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác Mặt trận phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ; Nghiên cứu, ban hành khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý MTTQ Việt Nam các cấp; Tổ chức lại Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu tình hình mới
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tập trung xây dựng và ban hành bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ Mặt trận thống nhất từ trung ương đến cơ sở; tổ chức xây dựng đội ngũ giảng viên, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận theo phân cấp; Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn về công tác bồi dưỡng cán bộ của hệ thống Mặt trận; Xây dựng khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý để làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận.
Ban Thường trực cũng tham mưu để Đảng đoàn MTTQ Việt Nam có văn bản gửi các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo công tác bồi dưỡng cán bộ MTTQ Việt Nam ở địa phương; Chỉ đạo lập kế hoạch, dự toán kinh phí hàng năm gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt; Tăng cường trang bị cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác tổ chức, giảng dạy cho Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam.
Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ Mặt trận thuộc phạm vi quản lý, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương; Phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, trường chính trị tỉnh và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để tổ chức bồi dưỡng cán bộ Mặt trận của địa phương theo phân cấp.