Đề cập tới vấn đề xây dựng con người văn hóa trong Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII, ông Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Phải xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa gia đình, nhà trường, cộng đồng. Phải đặt văn hóa về đúng vị trí trọng tâm của mọi phát triển, và con người đương nhiên phải luôn là chủ thể của văn hóa.
Lễ khao lề thế lính tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
PV:Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng đang có sự lệch pha giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Như Tiến: Văn hóa là phạm trù rất rộng. Công nghệ thông tin là thành tựu đột phá của nhân loại, dần san “phẳng” thế giới. Trong điều kiện ấy, chúng ta phải có bộ lọc văn hóa, có sức đề kháng văn hóa để có khả năng miễn dịch trước những mặt xấu, độc trong văn hóa . Một thời gian dài chúng ta mải mê với kế sinh nhai mà quên chú trọng bồi đắp đời sống văn hóa tinh thần.
Khi đời sống kinh tế đã có sự ổn định nhất định thì người ta mới bắt đầu coi trọng chăm lo đời sống văn hóa tinh thần. Nhưng đến lượt người ta lại cực đoan quan niệm không đúng về thực hành và thụ hưởng văn hóa. Câu chuyện về lễ hội thời gian qua là một ví dụ. Lễ hội quá nhiều, bị thương mại hóa, lợi ích nhóm, bị méo mó biến dạng. Lễ hội của nhân dân bị biến thành lễ hội của quan chức địa phương. Hồn vía lễ hội nhiều khi không thấy đâu chỉ thấy la liệt hòm công đức, chỉ thấy xô đẩy giẫm đạp... Người đi lễ hội không ý thức được mục đích, ý nghĩa cao đẹp của việc đi lễ hội. Hoạt động văn hóa cứ thế phát triển lệch chuẩn, không tương thích với kinh tế...
Đã đến lúc cần phải chú trọng hơn nữa đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Phải xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa gia đình, nhà trường, cộng đồng. Phải đặt văn hóa về đúng vị trí trọng tâm của mọi phát triển, và con người đương nhiên phải luôn là chủ thể của văn hóa.
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII đã đặt ra vấn đề làm sao để văn hóa tạo sức lan tỏa, xây dựng con người văn hóa. Nhưng để đạt như vậy cần có giải pháp nào thưa ông?
- Trước hết, chúng ta có thuận lợi khi tại Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI có ra một nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Chủ đề của Nghị quyết là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tại sao lại ra một nghị quyết như vậy là bởi trong một thời gian dài vừa qua chúng ta tập trung vào phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, đánh giá chung là dường như kết quả xây dựng văn hóa chưa tương thích và đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vì thế Trung ương mới có nghị quyết này. Quan trọng nhất của Nghị quyết là xác định xây dựng con người là trung tâm, vì con người là chủ thế làm nên các giá trị văn hóa, đồng thời con người cũng là chủ thể để hưởng thụ giá trị văn hóa đó. Tức là con người là đích đến của văn hóa nhưng cũng là chủ thể để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ hai, trong các nghị quyết khác chưa đánh giá văn hóa được ngang hàng với chính trị, kinh tế và xã hội. Tại sao lại đánh giá như vậy là bởi trước kia văn hóa thường được xếp ở đoạn cuối; trong khi chính văn hóa mới làm nên bản sắc của dân tộc, và nhiều cái cũng có thể mất đi nhưng tồn tại mãi mãi vẫn phải là văn hóa. Văn hóa làm nên nét riêng của mỗi dân tộc. Lần này văn hóa được Trung ương xếp ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội là hết sức quan trọng.
Cùng với đó là xây dựng con người có phẩm chất năng lực, phát triển toàn diện mà trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống nhân cách. Vì thế phải tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người dân phải hiểu biết lịch sử, tôn vinh lịch sử và văn hóa của dân tộc. Nếu khước từ văn hóa dân tộc, không tôn vinh lịch sử dân tộc thì mình đâu còn là người Việt Nam nên đó là trọng tâm xây dựng con người.
Giải pháp quan trọng là cần gắn xây dựng rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định. Tức là lâu nay chỉ chăm chăm xem họ thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thế nào? nhưng bây giờ phải đòi hỏi ngược lại xem Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tôn trọng quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân ra sao. Rồi nâng cao trí lực bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Ngoài các tiêu chuẩn xây dựng con người như đạo đức, tri thức, lòng tự tôn tự hào dân tộc, hiểu biết lịch sử thì còn có xây dựng và phát huy lối sống mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người. Đó là cuộc sống hội nhập với cộng đồng, mình vì người khác, người khác vì mình. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường, hài hòa tính tích cực của cá nhân trong xã hội.
Nhưng văn hóa con người cũng được bắt đầu từ chính giáo dục, thưa ông?
- Nền giáo dục của ta có truyền thống lâu đời. Đành rằng giáo dục Việt Nam đang còn nhiều vấn đề lúng túng, bất cập nhưng tôi không đồng tình với những ai phủ định sạch trơn thành tựu của giáo dục Việt Nam, vai trò của giáo dục Việt Nam đối với sự phát triển xã hội. Sự hiện diện của những giáo sư lớn như Ngô Bảo Châu, sự vinh danh các đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam trên đấu trường quốc tế, sự phát triển, đi lên, vươn ra thế giới từng ngày của đất nước Việt Nam nói lên rất rõ điều này.
Trân trọng cảm ơn ông!