Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia. Vấn đề kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 đã được các ĐB đặt ra.
Thủy điện có lỗi?
ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện phải đóng trước một khoản tiền coi như phí môi trường để sau này khi dừng khai thác thì sẽ dùng khắc phục. Còn nếu dừng rồi mới xử lý, doanh nghiệp sẽ tìm cách thoái thác. Việc xây dự án thủy điện phải có chế tài, Nhà nước phải nắm đằng chuôi.
Giải trình thêm về vấn đề thủy điện nhỏ, hồ chứa nước góp phần vào thiệt hại nặng nề của thiên tai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: Thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát được tính cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên, với tần xuất thiên tai cực đoan trong 40 năm qua tăng 4 lần, trong đó bão lũ chiếm 40%.
Giai đoạn 2000-2019, đã có trên 7.300 thiên tai, trong đó, loại hình thiên tai xảy ra nhiều nhất là lũ chiếm 44% và bão chiếm 28%. Do đó cần phải có nghiên cứu và đánh giá độc lập của các cơ quan khoa học về diễn biến thiên tai nặng nề vừa qua.
Bộ trưởng Hà cũng cho rằng: Số liệu khách quan cho thấy, khu kiểm lâm 67, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Cha Lo, Binh đoàn 337 Hướng Hóa (Quảng Trị), Trà Leng, Trà Vân ở Nam Trà My (Quảng Nam) và vùng sạt lở Rào Trăng 3 đều ở độ cao 300-900 m nên kết luận thiệt hại do thủy điện là chưa có cơ sở.
Toàn bộ những khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất. Địa hình đồi núi dốc với trọng lực trượt và độ dốc sông suối đều theo hình chữ V cộng thêm với vấn đề ngoại sinh là lượng mưa lớn trong liên tiếp nhiều ngày dẫn đến nguy cơ sạt lở.
“Lỗi cũng không ở các thủy điện nhỏ, lỗi là chính chúng ta chưa phân tích được lợi ích, các tính năng thiết kế hiệu quả và ứng dụng công nghệ. Nếu chúng ta tính toán và thiết kế được hài hòa thì vẫn duy trì các thủy điện nhỏ mà không gây tác động quá lớn tới tự nhiên. Tất nhiên cũng cần có đánh giá chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thế nào? Nhất là khi dân số tăng trưởng lên hơn 100 triệu dân. Cần tính toán chức năng, khu vực rừng cần phải giữ, cần bảo vệ đó là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên” -Bộ trưởng Hà phân trần.
Kịch bản cho tăng trưởng
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong năm 2021 Chính phủ cần xây dựng 2 kịch bản kinh tế. Theo đó, kịch bản vaccine có hiệu quả và dịch được khống chế thì việc tăng trưởng kinh tế trên 6% là khả thi. Theo IMF dự báo Việt Nam có thể đạt 6,7-7%. Còn nếu vaccine không hiệu quả dịch còn phát triển thì kịch bản tăng trưởng của ta chỉ vào khoảng 4-4,5%.
Theo ông Ngân, muốn kiểm soát tốt dịch bệnh, cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế cộng đồng.
Bên cạnh đó một yếu tố ảnh hưởng tới phát triển kinh tế là biến đổi khí hậu, thiên tai. Cho nên phải trích quỹ dự phòng năm nay chi cho các địa phương đang gặp khó khăn, nhưng phải quyết bài toán căn cơ là quy hoạch chuyển dân đến nơi an toàn.
Theo ĐB Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái), trong tăng trưởng kịch bản kinh tế năm 2021 Chính phủ cần đưa ra 2 kịch bản. Nhiều tổ chức kinh tế thế giới đánh giá tình hình kinh tế thế giới có phần u ám hơn. Cho nên có thể phát triển kinh tế chậm nhưng phải hài hòa, bền vững, giải quyết tốt vấn đề giáo dục, y tế. Ở bối cảnh này, ông Thống cho rằng cần giảm chi thường xuyên, cải cách bộ máy và cán bộ tiết kiệm ngân sách.
Nhìn nhận trong giai đoạn Covid-19, Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế vì sức khỏe nhân dân song vẫn có mức tăng trưởng dương, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá, với rất nhiều khó khăn từ trong nước và thế giới mà vẫn đạt được kết quả đó thì chúng ta có quyền ước mơ đến khát vọng phồn vinh, đến 2030 thành nước công nghiệp hiện đại và năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Dẫn chứng theo kinh nghiệm của các nước đã “cất cánh” phải có giai đoạn tăng trưởng rất cao 10%/năm dựa vào đầu tư, đổi mới, chuyển giao công nghệ, dựa vào các tập đoàn lớn. Vì vậy theo ông Cường, trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn tới cần chú ý tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh làm trụ cột cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế. Bên cạnh đó cần ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Bởi chỉ có như vậy mới có thể tạo ra mức tăng trưởng đột phá.
Sớm sửa đổi Nghị định 64
Theo ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Đại dịch Covid-19 vừa qua và thảm họa thiên tai ở miền Trung hiện nay đã khơi dậy trong cộng đồng tình dân tộc, nghĩa đồng bào với nhiều hành động rất đáng quý, đáng trân trọng. Trong thảm họa thiên tai, đại hồng thủy và sạt lở đất do mưa bão vừa qua ở miền Trung, với thiệt hại nặng nề về người và của ở các tỉnh miền Trung một lần nữa để dân cả nước chung tay để giúp nhân dân miền Trung vượt qua thiên tai.
Hình ảnh những cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân tổ chức từ thiện đến với các vùng thiên tai để chung tay góp sức sẻ chia khó khăn giúp người dân miền Trung vượt qua mất mát, đau thương đã để lại những hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái của văn hóa Việt.
Tuy nhiên bà Thu cho rằng, việc làm từ thiện cũng phải có văn hóa- văn hóa từ thiện. Đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức.
“Nhiều người mang quần áo không còn dùng được hoặc lỗi mốt, lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ, đồ ăn thức uống sắp hết hạn sử dụng để cho người nghèo và đã làm tổn thương họ vì họ cũng là những người rất giàu lòng tự trọng và dễ bị tổn thương. Của cho không bằng cách cho, cả văn hóa cho nhận cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không bị cảm giác ban ơn, bố thí, nhận làm sao để người cho cảm thấy vui và hạnh phúc”- bà Thu nói và kiến nghị đối với công tác cứu trợ, Chính phủ cần sớm chỉ đạo sửa đổi Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để phù hợp với tình hình mới.