Xây dựng khu tưởng niệm Nguyễn Trãi ở Nhị Khê (Thường Tín - Hà Nội): Các nhà khoa học chưa đồng tình

Minh Quân 31/10/2018 08:45

UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) vừa tiến hành lấy ý kiến các nhà khoa học về phương án dự kiến quy hoạch Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, phương án trên dường như không nhận được nhiều sự đồng thuận ngay từ ý tưởng.

Xây dựng khu tưởng niệm Nguyễn Trãi ở Nhị Khê (Thường Tín - Hà Nội): Các nhà khoa học chưa đồng tình

Đền thờ Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê. Ảnh: Xuân Tiến.

Bất cập về quy mô

Theo phương án dự kiến quy hoạch khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi nằm tại xã Nhị Khê (huyện Thường Tín - Hà Nội) có tổng diện tích khu lưu niệm rộng khoảng 3,5 ha với các công trình: trại Ổi, ao Huê; nhà lưu niệm trưng bày hiện vật có liên quan đến Nguyễn Trãi; khu giới thiệu giáo dục truyền thống về lịch sử, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Nguyễn Trãi đối với Thủ đô, đất nước; công trình phụ trợ cần xây dựng gồm khu dịch vụ, trải nghiệm di sản, vườn hoa, cây xanh, tiểu cảnh; nơi đón tiếp khách, bãi đỗ xe, khu ao Huê, trại Ổi... Trong đó, khu ao Huê, trại Ổi đang là một phần của di tích đền thờ Nguyễn Trãi được Bộ Văn hóa xếp hạng Quốc Gia năm 1964. Lý giải về phương án này, theo bà Lê Thị Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín: “Mặc dù đã được tu bổ tôn tại nhưng đền thờ Nguyễn Trãi có quy mô nhỏ nằm trên khuôn viên đất tư của dòng họ Nguyễn quản lý; khu vựa ao Huê, trại Ổi lại nằm trên khuôn viên nhà thờ khoảng 500m, các hạng mục kiến trúc có quy mô nhỏ hẹp, không gian phân tán nên chưa bao hàm, tương xứng với ý nghĩa giá trị của khu di tích.

Vì vậy, khu di tích chưa xứng tầm với tầm vóc, vị thế của một danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi, người đã sinh ra, trưởng thành tại vùng đất Thăng Long xưa và là Thủ đô Hà Nội hiện nay”.

Tuy nhiên, dự án đã nhận được sự chưa đồng tình từ các nhà khoa học. Trong đó, KTS Lê Thành Vinh cho rằng phải tránh cách làm khoa trương, hình thức, lãng phí. Theo ông Vinh, ý tưởng tiếp cận của dự án là không hợp lý, không được tính toán cụ thể, hoàn toàn cảm tính và mang tính hình thức. “Chúng ta không thể xoá bỏ ngôi đền đã tồn tại nhiều năm trong lịch sử, được xếp hạng là di tích quốc gia. Tạo ra hai ngôi đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi tại Nhị Khê là hoàn toàn không hợp lý”- KTS Lê Thành Vinh nhấn mạnh.

Nhiều mâu thuẫn

Không chỉ là những bất cập về quy mô, mà việc ra đời công trình theo nhiều nhà khoa sẽ tạo ra những nguy cơ tranh chấp giữa chính quyền và người dân. Ở đó, PGS.TS Phạm Mai Hùng- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích hiện nay ở làng Nhị Khê đã có di tích đền thờ Nguyễn Trãi đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia. Theo Luật Di sản văn hóa, thì đền thờ Nguyễn Trãi thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn. Theo tôi được biết toàn thành phố Hà Nội có tới 22 nhà thờ các danh nhân thuộc các thời đại khác nhau trong cùng tiến trình phát triển lịch sử của Thủ đô cũng đều thuộc sở hữu của cộng đồng, dòng họ. Đặc biệt, trong một làng không nơi nào trên đất nước ta có hai nhà thờ, thờ chung một vị thần hoặc anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Do đó, việc xây mới sẽ tạo nên sự bất hòa không đáng có giữa dòng họ Nguyễn ở Nhị Khê với chính quyền địa phương. Ở đây không phải là giá trị nhân văn mà là lợi ích vật chất, từ nguồn thu bán vé thăm quan khu tưởng niệm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Công Việt- nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm cho rằng, Hồ sơ thiết kế sơ bộ công trình là quá sơ sài. Mặc dù rộng lớn về diện tích song lại quá đơn giản, thiếu vắng những cái cơ bản bên trong. Ngoài hai hạng mục đền thờ, Lầu chuông Gác trống chỉ thấy nhấn mạnh cổng, khu bán đồ lưu niệm, nhà quản lý… Thực tế khu tưởng niệm không phải hoàn toàn như thiết kế một ngôi nhà cổ, song vẫn cần có đầy đủ các yêu cầu về văn hóa tâm linh như bàn thờ, bát nhang… Ngoài ra, công trình cần làm nổi bật với ý nghĩa biểu trưng để tránh sự lẫn lộn với đền thờ Nguyễn Trãi. Chính vì vậy không nên làm tượng và một số đồ thờ liên quan. Nhân vật biểu trưng ở đây ngoài Nguyễn Trãi nên có cả Nguyễn Phi Khanh.

Còn GS Lê Văn Lan cho rằng: “Sau khi xem xét các ý tưởng và văn bản xây dựng, ta thấy rõ ràng ở đây cách tính là vội vẽ, sơ sài, tùy tiện, thậm chí phiêu lưu”. Cụ thể, theo GS Lê Văn Lan việc chọn khu Trại Ổi, Ao Huê làm địa bàn xây dựng Khu tưởng niệm là tối ưu, và không thể khác, trong hoàn cảnh và thực tế hiện nay. Nhưng “quỹ đất” khu tưởng niệm là bao nhiêu, và như thế nào, thì thực tế là chưa ổn định. Hiện nay chắc chắn chỉ có khu “Trại Ổi ao Huê” (với 7.000 m2) còn gọi là “quỹ đất” (được mở rộng thành 3,5 ha) thì chỉ mới là “dự kiến”, “xin chủ trương” chưa được thẩm định, thậm chí “đang xem xét”. Thế thì, 16 hạng mục xây dựng, được vẽ ra thành “mặt bằng quy hoạch tổng thể của khu tưởng niệm (3,5 ha) là không có cơ sở thực tiễn.

Bên cạnh đó, trong 16 hạng mục như cổng chính, non bộ, hồ nước, tượng đài Nguyễn Trãi cũng chưa được nghiên cứu thấu đáo về hình thức, kiểu dáng và công năng của từng hạng mục. Chưa có sự sắp xếp, bố cục theo một trật tự quy hoạch thích hợp và đúng đắn trên nhiều phương diện. “Đặc biệt, công trình không thể hiện được bản sắc, tư tưởng văn hóa của một Khu tưởng niệm về Nguyễn Trãi, trong tương quan với các Khu tưởng niệm danh nhân lịch sử văn hóa khác” - GS Lê Văn Lan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng khu tưởng niệm Nguyễn Trãi ở Nhị Khê (Thường Tín - Hà Nội): Các nhà khoa học chưa đồng tình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO