Nhiều kỳ vọng lạm phát trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình khoảng 3%, chủ yếu phản ánh tác động của việc điều chỉnh giá lương thực. Lạm phát vẫn có rủi ro tăng cao hơn do các yếu tố như giá thực phẩm, chi phí chăm sóc sức khỏe, nhưng sẽ duy trì dưới mức trần 4%.
Xây dựng kịch bản
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì còn có dư địa tăng 0,66% cho mỗi tháng để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4%. Và đây là kịch bản được đưa ra khi không có các biến động lớn.
Hiện nay có nhiều yếu tố hỗ trợ để kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng. Đó là giá các dịch vụ bưu chính không tăng giá hoặc giảm nhẹ; giá một số mặt hàng thực phẩm. Dự kiến thời gian tới mặt bằng giá cả có thể ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào.
Thời gian còn lại của năm 2021 đang chịu các tác động đa chiều, phức tạp từ cả tình hình dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu để lại những hậu quả rất nặng nề cho nhiều địa phương; cũng như các biến động địa chính trị thế giới tác động lớn tới một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, các yếu tố làm tăng chỉ số giá cũng khá nhiều. Khi tổ chức quốc tế dự báo, thị trường hàng hoá có xu hướng tăng giá dựa trên triển vọng đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu, trong khi lạm phát sẽ quay lại khi mà các biện pháp kích thích kinh tế và tài khoá được kỳ vọng sẽ mạnh hơn. Trong đó, các mặt hàng tăng giá tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp và các kim loại cơ bản do nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh thời tiết bất lợi... sẽ tác động đến tình hình trong nước và nhất là công tác quản lý giá.
Trong thời gian tới, một số mặt hàng dự báo có thể tiếp tục có biến động tăng theo giá thế giới như giá thép; thức ăn chăn nuôi; giá gạo trong nước có khả năng tăng nhẹ.
Không để xáo trộn
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, việc đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến mặt bằng giá những tháng đầu năm và đề xuất giải pháp điều hành giá những tháng còn lại.
Trong đó sẽ tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Bộ Tài chính cũng sẽ tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, năm 2021 vẫn rất khó đoán định, do đó, công tác điều hành giá cần tiếp tục một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.