Việc xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008 là sự cấp thiết mà thực tế đòi hỏi. Vì thế, việc giao Bộ Công an chuyên tâm lo việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải tập trung vào vấn đề hạ tầng giao thông là đúng người, đúng việc, đảm bảo tính đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành.
Ngày 10/2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ” và “Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ”. Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an), Luật Giao thông đường bộ 2008 sau hơn 13 năm thực hiện đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp, đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh (sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các dự án luật mới) để bắt kịp những vấn đề mới phát sinh trong thực tế. Song, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.
Vì thế, Chính phủ chủ trương tách thành 2 dự án luật riêng biệt (Luật Đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ) để đảm bảo quy định chi tiết, cụ thể, tạo điều kiện cho công tác quản lý chuyên sâu, hiệu quả, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết và bị thương hàng năm.
Nhiều năm qua, chúng ta vẫn luôn đặt câu hỏi: Vì sao các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an đã cố gắng nỗ lực rất nhiều, nhưng hàng năm cả 3 tiêu chí (số vụ TNGT, số người chết và bị thương) vẫn khó kéo giảm sâu, dù có những thời điểm cũng đã có những tiến triển tích cực? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do bất cập trong hành lang pháp lý, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, chế tài thiếu và yếu...
Trong số các nguyên nhân đó không thể bỏ sót một nguyên nhân khá cốt lõi, đó là việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), kể cả khâu đăng kiểm hiện nay còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng xấu lợi dụng.
Qua các đợt ra quân tổng kiểm tra phương tiện, điều tra nguyên nhân các vụ TNGT... lực lượng công an từ Trung ương tới địa phương đã phát hiện không ít người nghiện ma túy vẫn được cấp GPLX, có lái xe không biết chữ, thậm chí người đang thi hành án cũng được cấp đổi GPLX.
Thực trạng này là do trong Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa đưa vào quy định về đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe.
Phân tích như vậy để thấy rằng, khi luật không quy định chi tiết, cụ thể sẽ rất khó cho các cơ quan liên quan khi xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tế. Dĩ nhiên là Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xây dựng cách đây hơn 13 năm thì không thể bao quát, điều chỉnh hết mọi vấn đề xuất hiện trong thời điểm hiện nay. Vì thế khi xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung hay thay thế cần phải hết sức chi tiết, cụ thể để bịt kín các lỗ hổng này.
Theo PGS.TS Ngô Huy Cương - giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi xây dựng riêng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ đảm bảo chi tiết, cụ thể để điều chỉnh được hầu hết các vấn đề phát sinh về giao thông đường bộ, mà còn đảm bảo tính khả thi khi triển khai trong thực tế. Điều đó hoàn toàn mang tính khoa học biện chứng, bởi khi xây dựng quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình quản lý, Bộ Công an sẽ “thuận tay”, thiết thực, sát với thực tế hơn rất nhiều so với việc giao bộ, ngành khác làm “trái tay”.
Hơn nữa, việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an không gây xáo trộn hay tốn kém, lãng phí về nhân lực, vật lực.
Từ phân tích ở trên có thể thấy rằng, việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 ra thành Luật Đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ là để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về pháp luật cũng như quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.