Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội là người từng đề xuất xây dựng nhiều dự án Luật sau đó được Quốc hội đưa vào chương trình, giao các cơ quan của Chính phủ soạn thảo. Bà cũng là người có sáng kiến xây dựng Luật Hành chính công. Trao đổi với ĐĐK, bà Khánh cho rằng, chúng ta phải có trách nhiệm với doanh nghiệp và người dân, không phải nhìn thấy doanh nghiệp là đòi “phí bôi trơn”.
PV:Thưa bà, là người từng đề xuất Quốc hội xây dựng không ít luật, khi đề xuất Luật Hành chính công, bà dựa trên cơ sở thực tiễn nào?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Xuất phát từ thực tế đi giám sát tôi thấy ở nơi này, nơi kia đều có vướng mắc trong thực hiện pháp luật. Nhiều nơi phản ánh thực hiện luật khó khăn do luật này vênh với luật kia khiến không thi hành được.
Từ vụ Vinaline, Vinashin chính Quốc hội đã lên tiếng về việc để xảy ra những việc như thế là do thiếu hành lang pháp lý trong quy định về hành chính công. Nhiều vị bộ trưởng có trách nhiệm với công việc nhưng cũng không thực thi, không làm được vì vướng nhau.
Qua nghiên cứu tôi thấy nền hành chính công có những yếu tố cơ bản nhưng tại sao chúng ta không áp dụng trong quản lý? Tại sao không vận dụng luận cứ khoa học trong nghiên cứu khoa học xã hội về tổ chức quản lý hành chính để xây dựng văn bản pháp luật. Như vậy là nền hành chính của chúng ta đang chồng chéo, vướng mắc. Rõ ràng chúng ta đang thiếu luật điều chỉnh, đặc biệt những nguyên tắc chung của một nền hành chính thì không có một luật nào điều chỉnh cả. Từ đó tôi nung nấu ý định về Luật Hành chính công.
Trong quá trình đi giám sát ở một số nơi, tôi thấy mâu thuẫn ở chỗ nào khiến khó thực hiện pháp luật thì tôi đánh dấu lại, và thấy rằng hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, không bảo đảm khoa học trong quản lý điều hành cho nên khiến vướng trong thực hiện.
Ngay trong Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ, định hướng từ nay trở đi phải coi trọng khoa học về tổ chức, khoa học về quản lý. Vì vậy cần phải làm sao cho khoa học tổ chức và khoa học quản lý sáng rộng trong công tác hoạch định chính sách pháp luật.
Nâng cao quản trị hành chính công sẽ góp phần làm bộ máy tinh gọn. Vậy khi luật này được ban hành sẽ giúp cho quá trình tinh giản biên chế như thế nào, thưa bà?
- Báo cáo từ các trung tâm hành chính công, cơ quan cải cách hành chính cho thấy, khi áp dụng công nghệ thông tin thì đương nhiên nhiều bộ phận sẽ được tinh gọn. Hiện Việt Nam còn tụt hậu hơn Campuchia, Lào về xuất khẩu gạo và dệt may. Tôi thấy buồn vô cùng, tại sao con người Việt Nam thông minh, trước đây có thứ bậc trong Đông Nam Á mà bây giờ lại như thế?
Một trong những nguyên nhân là do thủ tục hành chính của ta còn nặng nề, hoạt động trì trệ và vận hành trên nền cũ. Các nước khác họ đã áp dụng nền hành chính theo cơ chế thị trường, tức là thủ tục hành chính phải thoáng, tạo cho mọi người tham gia được chứ không phải chuyện quy định quá chặt chẽ, bắt chẹt để họ không cựa quậy được, ngay người quản lý cũng khó điều hành.
Cho nên Luật Hành chính công sẽ quy định những thủ tục linh hoạt hơn, ứng dụng công nghệ thông tin, làm “rụng” đi các quy định cứng nhắc vòng vèo, làm tinh gọn bộ máy khi đã ứng dụng nhiều công nghệ thông tin, đồng thời đề cao phẩm chất của người thi hành công vụ. Xã hội phải mang tính phục vụ thì mới tiến xa được.
Thưa bà, điểm “cởi trói” trong Luật Hành chính công mà bà xây dựng sẽ khắc phục những bất cập cho hành chính công hiện nay như thế nào?
- Điểm mới là tôn trọng quyền con người, quyền công dân và kiểm soát quyền lực, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế và thực tiễn thi hành pháp luật về hành chính công đang là những rào cản gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, góp phần vào việc tăng tính hiệu quả, năng động của nền hành chính và tính cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Ngoài ra còn nhằm khắc phục và lấp đầy những khoảng trống trong nền hành chính công khi nội dung Luật Hành chính công đề cao nguyên tắc nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Mặt khác, để thực hiện nguyên tắc kiểm soát quyền lực của Hiến pháp, Luật còn tập trung quy định vấn đề kiểm soát hành chính công. Do chúng ta không có quy định kiểm soát hành chính công cho nên thích kiểm tra doanh nghiệp lúc nào thì kiểm tra. Một năm doanh nghiệp khốn khổ vì tiếp bao nhiêu đoàn đến, phải kêu lên tới tận Thủ tướng.
Bây giờ chúng ta phải theo nguyên tắc kiểm soát hành chính công, tức là quy định vấn đề đi kiểm tra doanh nghiệp sẽ như thế nào? Hạn chế đi kiểm tra mà chỉ cần kết nối công nghệ thông tin vẫn nắm được thông tin hoạt động của doanh nghiệp. Còn khi có dấu hiệu vi phạm thì bên Công an sẽ đi kiểm tra cùng trong trường hợp cần thiết. Như thế sẽ cấm được việc trì trệ, vòng vèo, không để om việc lâu quá.
Tôi nói ví dụ vừa qua ngay trường hợp resort tại Ba Vì chẳng hạn, vì hồ sơ phê duyệt để lâu quá dù họ đã đề xuất hợp tác 8 năm nay. Nếu không cho phép thì trả lời ngay cho người ta nhưng cứ để đấy. Bao nhiêu tiền họ đầu tư trong bao nhiêu năm thì ai chịu trách nhiệm? Đó chính là do các cơ quan nhà nước đã thiếu phối hợp, gắn bó chia sẻ với nhau trong công việc. Đó chính là do quản lý nhà nước của ta tệ nên phải thay đổi khuẩn trương càng sớm càng tốt.
Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức cấp bách là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế, nền tài chính, quản trị công; đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu vào ASEAN, tham gia Hiệp định TPP. Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn thực hiện với phương thức thủ công, lạc hậu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin. Hiệp định TPP đến rồi mà xuất nhập khẩu của ta thủ tục vẫn vòng vèo thì khó đón được những cơ hội tốt.
Vậy Luật Hành chính công mà bà xây dựng đã nhận được ý kiến phản hồi như thế nào từ các cơ quan chức năng?
- Nhiều chuyên gia hành chính công, Học viện Hành chính quốc gia, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã giúp đỡ và ủng hộ tôi rất nhiều trong việc xây dựng Luật này. Khi Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức sáng kiến hiến kế, tôi đã có đưa luật này đi dự thi và được giải khuyến khích. Giải lần này không có giải nhất, nhì mà chỉ có giải ba và giải khuyến khích.
Hiện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Chính phủ cũng đã có văn bản ủng hộ luật này. Tôi thấy rất vui và mong Luật sớm được đưa vào trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Chúng ta phải có trách nhiệm với doanh nghiệp và người dân. Chứ không phải nhìn thấy doanh nghiệp là đòi “phí bôi trơn” thì người ta sống sao được mà cứ teo tóp mãi. Doanh nghiệp làm giàu cho xã hội tại sao chúng ta cứ đòi người ta mãi phí bôi trơn?
Trân trọng cảm ơn bà!