Kinh tế

Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch

T.Hằng 14/12/2023 09:17

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thời gian qua hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như đã có các giải pháp tháo gỡ.

anh-bai-tren(4).jpg
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị. Nguồn: TBTC.

Theo dõi tình hình, đề xuất các giải pháp phù hợp

Ngày 13/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023 với sự tham dự của đại diện hơn 600 doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2023, số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này đạt hơn 97% dự toán năm 2023... Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cũng khẳng định, cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính, ngành Thuế và ngành Hải quan trong việc đồng hành, hỗ trợ các DN duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Nhiều đổi mới của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Hải quan đã thực sự giảm bớt gánh nặng đối với các DN như việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động của ngành, triển khai cơ chế tự động hải quan, cơ chế liên thông với các cơ quan trong bộ máy hành chính, qua đó đẩy mạnh quá trình đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, nguồn lực, kiểm soát có hiệu quả các quy trình, tạo cơ sở để DN hoàn thành tốt các quy trình thủ tục, giảm chi phí và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Theo lãnh đạo VCCI, nhiều hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã lấy mức độ hài lòng của DN làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan. Các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến theo các hình thức khác nhau cũng đã được triển khai, kể cả trên truyền hình, các hội nghị đối thoại với cộng đồng DN theo chuyên đề, theo các cấp khác nhau trong hệ thống quản lý, tiếp tục thể hiện sự cầu thị và tư duy đổi mới trong hoạt động.

Doanh nghiệp vẫn “kêu” về thuế

Bên cạnh những thuận lợi, DN cũng đưa ra các đề xuất nhất định liên quan đến việc rà soát, đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế, việc kiểm tra theo các hình thức khác nhau gây khó khăn cho DN, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2024; xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới; tăng cường các biện pháp phi thuế quan; về cơ chế liên thông giữa ngành thuế - hải quan với các cơ quan hành chính.

Đại diện Công ty cổ phần Cơ - Điện - Môi trường Lilama hỏi về việc kê khai hóa đơn bị bỏ sót, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định, người nộp thuế được kê khai bổ sung hóa đơn mua vào vào kỳ phát sinh, nếu đáp ứng đầy đủ quy định về khấu trừ thuế và kê khai thuế được khấu trừ. Người nộp thuế cũng cần lưu ý, việc bỏ sót hóa đơn cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra chưa, nếu đã thanh, kiểm tra mới bổ sung thì không được điều chỉnh.

Cũng liên quan đến hóa đơn, đại diện Công ty TNHH Aeon Mall Him Lam hỏi về việc kê khai hóa đơn có ngày lập khác ngày ký có hợp lệ không, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, trường hợp hóa đơn điện tử bán hàng hóa cung cấp dịch vụ đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác với thời điểm lập hóa đơn, nếu thời điểm ký số trên hóa đơn phát sinh cùng thời hoặc sau thời điểm lập hóa đơn thì hóa đơn điện tử này vẫn được coi là hợp lệ. Người bán thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng theo thời điểm lập hóa đơn, người mua thực hiện kê khai thuế tại thời điểm nhận hóa đơn.

Về hoàn thuế giá trị gia tăng, đại diện Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu An Phát cho biết, DN đã nhiều lần xuất khẩu tinh bột sắn, nhưng 4 năm qua vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo ông Đặng Ngọc Minh, vấn đề của cổ phần thương mại xuất nhập khẩu An Phát là câu chuyện dài trong thời gian qua, liên quan đến việc hoàn thuế của một trong những DN về tinh bột sắn, thuộc lĩnh vực rủi ro.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương; Bộ Tài chính mong muốn cộng đồng DN chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển. Đồng thời tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch