Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng, Diễn đàn Nghị viện Châu Á -Thái Bình Dương sẽ nỗ lực cùng APEC và các cơ chế khu vực khác tăng cường hợp tác tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết khu vực để tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 thực sự được khởi nguồn từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, góp phần xây dựng Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng.
Chiều ngày 18/1, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26). Tham dự lễ khai mạc có: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF26; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị.
Hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bày tỏ vinh dự khi lần thứ 2, Việt Nam được chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 26 của APPF-một hội nghị quan trọng đối với các nghị sỹ các quốc gia trong khu vực, đồng thời bày tỏ cảm ơn chân thành về sự tín nhiệm và đánh giá cao của các nghị viện thành viên của APPF đối với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Đã 25 năm trôi qua kể từ khi Tuyên bố Tokyo được thông qua vào tháng 1/1993 để chính thức thành lập APPF với 15 nghị viện, đến nay APPF đã phát triển và trở thành một diễn đàn với 27 nghị viện thành viên, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của hơn 4,5 tỷ người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, APPF đã tích cực triển khai các cam kết trong những tuyên bố lịch sử của mình, hướng tới một ngôi nhà chung hài hòa và năng động, đã góp phần đẩy mạnh xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực, ủng hộ và hỗ trợ cho các nỗ lực của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC, qua đó cho thấy APPF đã thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, cùng với APEC góp phần thu hẹp khoảng cách của các nước ở châu Á-Thái Bình Dương đem lại thịnh vượng cho người dân trong khu vực. APPF đã thúc đẩy các quốc gia thành viên thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển, nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
“Đặc biệt, cùng với cơ chế hợp tác liên nghị viện khác, APPF đã đóng góp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ các hoạt động hợp tác nghị viện; nâng cao vị thế và tiếng nói của các nghị sỹ trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Hội nghị APPF-26 diễn ra trong lúc khu vực và thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi nhanh chóng và phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới và khu vực đang phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi trong trung và dài hạn; các cuộc xung đột và căng thẳng tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định, hòa bình và an ninh trong khu vực”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị.
Nêu bật những vấn đề an ninh phi truyền thống mà khu vực đang đối mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, APPF đang ở thời điểm chuyển đổi quan trọng, đặt ra cho các nghị viện thành viên những nhiệm vụ mới và sự cần thiết phải củng cố các thành quả mà APPF đã đạt được, đưa Diễn đàn lên một tầm cao mới.
Tại Hội nghị lần này, ngoài việc cùng nhau trao đổi các vấn đề an ninh, kinh tế, chính trị, thương mại, hợp tác phát triển, văn hóa – xã hội và môi trường thì một trong những mục tiêu chính của Hội nghị là xây dựng tầm nhìn mới trong giai đoạn tiếp theo sau 25 năm hình thành và phát triển. Bám sát chủ đề của Hội nghị là Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng, bền vững. Tầm nhìn đó phải được dựa trên mối quan hệ đối tác nghị viện bền chặt hơn và hiệu quả hơn. Chúng ta phải khẳng định những cam kết hành động mới để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế hợp tác trong APPF và giữa APPF với các thể chế trong khu vực vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, bao trùm.
Khẳng định chủ trương đối ngoại chung Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, theo Chủ tịch Quốc hội, sự kiện đối ngoại này sẽ góp phần truyền tải thông điệp, hình ảnh về một Quốc hội Việt Nam năng động, tích cực. APPF-26 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thực hiện tầm nhìn mới về quan hệ đối tác nghị viện châu Á -Thái Bình Dương vì một APPF hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững, có khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thế giới và khu vực.
Quang cảnh hội nghị.
Xây dựng quan hệ đối tác nghị viện có trách nhiệm
Thay mặt nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cảm ơn nghị viện các nước thành viên đã lần thứ 2 tín nhiệm chọn Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị quan trọng này; chúc mừng Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương cùng nghị viện các nước thành viên về những đóng góp to lớn của Diễn đàn trong một phần tư thế kỷ vừa qua, góp phần xây dựng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Nhấn mạnh, sắp bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, thế giới và khu vực đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, thời cơ và thách thức đan xen, song hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế nổi trội. Gần một thập niên sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới phục hồi vững chắc hơn, song tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt mức trước khủng hoảng. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, trong khi liên kết kinh tế ở một số khu vực bị chậm lại, lợi ích của tăng trưởng và toàn cầu hóa chưa lan tỏa đồng đều, nguy cơ chiến tranh, xung đột vẫn hiện hữu.
Khu vực của chúng ta vẫn còn hàng trăm triệu người sống trong đói nghèo, chịu những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, thiên tai, Chủ tịch nước cho rằng: “Những cơ hội và thách thức mới nổi lên trong một thế giới toàn cầu hóa và số hóa đòi hỏi Diễn đàn Nghị viện Châu Á -Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định vị thế trong cấu trúc đang định hình”.
Hơn bao giờ hết, Diễn đàn cần tiếp tục đi đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa phương, xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho Châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ bằng cách xây dựng quan hệ đối tác nghị viện có trách nhiệm vì hòa bình và phát triển bền vững Diễn đàn mới có thể khẳng định vai trò trong cấu trúc khu vực đa tầng nấc.
“Ưu tiên hàng đầu là duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế. Hòa bình và phát triển bền vững luôn đồng hành với nhau. Đó là bài học của chính khu vực chúng ta.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị APPF26.
Chúng ta có thể tự hào rằng Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực duy nhất không có xung đột từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Đây là tiền đề quan trọng để Châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động nhất, đóng góp 59% GDP, 48% thương mại toàn cầu”-Chủ tịch nước nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển, đi đầu thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ tin tưởng, Diễn đàn Nghị viện Châu Á -Thái Bình Dương sẽ nỗ lực cùng APEC và các cơ chế khu vực khác tăng cường hợp tác tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết khu vực để tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 thực sự được khởi nguồn từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, góp phần xây dựng Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng.
Vì bình đẳng giới trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương Trước đó, trong buổi sáng hội nghị Nữ nghị sĩ đã chính thức khai mạc. Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, bình đẳng giới vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia. Trong các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG 5) vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội. Khẳng định bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Hiến pháp Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương. Cũng như Việt Nam, các nước trong khu vực đã có nhiều nỗ lực, song chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Chủ tịch Quốc hội hy vọng trong thời gian diễn ra Phiên họp, các đại biểu sẽ trao đổi được nhiều thông tin và đưa ra được các đề xuất, sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy bình đẳng giới ở mỗi quốc gia nói riêng, cũng như trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. |