Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 tổ chức vào năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài có cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Thưa ông, ông có cảm nhận như thế nào về hội nghị lần này?
Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế lớn như hiện nay; khi mà chính trị - xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong thành tựu chung đó, ngoại giao tự hào đã có đóng góp rất quan trọng, không chỉ ở giai đoạn hiện nay mà cả trong quá khứ; là một trong những thành tựu quan trọng, bên cạnh phát triển kinh tế và xây dựng Đảng.
Đại hội Đảng lần thứ XIII trao cho công tác đối ngoại và ngoại giao những sứ mạng rất quan trọng. Đó là nhiệm vụ phát huy vai trò tiên phong giữ gìn hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, đồng thời xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, quy tụ mọi lực lượng làm công tác đối ngoại. Cán bộ làm công tác ngoại giao chính là những “người lính” trong thời bình. Với mọi quốc gia trên thế giới, ngoại giao luôn là vũ khí quan trọng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, thúc đẩy kinh tế phát triển và nâng cao uy tín quốc tế của đất nước. Nước nào biết sử dụng ngoại giao sẽ đạt được nhiều lợi ích lớn, kể cả khi tiềm lực chưa mạnh.
Hội nghị lần này có điểm đặc biệt là sẽ có Hội nghị đối ngoại toàn quốc được triệu tập trước Hội nghị ngoại giao một ngày. Quy tụ toàn bộ lực lượng làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên cả nước; lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ có những chỉ đạo quan trọng. Các hội nghị này sẽ mang tính chất “Hội nghị Diên Hồng” trong công tác đối ngoại.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động lớn tới toàn cầu, đặt ra những thách thức đối với Việt Nam. Trong nguy có cơ, theo ông trong bối cảnh đó làm sao để biến thách thức thành cơ hội, phát huy vai trò ngoại giao kinh tế?
- Tác động của đại dịch Covid-19 đối với cả thế giới và đất nước ta là rất rõ, làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta. Chừng nào chưa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chúng ta rất khó triển khai các nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Ngay cả khi hết dịch bệnh thì thế giới và chúng ta cũng không thể sống như trước mà đang chuyển sang giai đoạn mới. Nhiều nước đang chuyển biến rất mạnh sang thích nghi với trạng thái mới. Nước ta cũng đang chuyển trạng thái sang thích nghi, sống chung, trong khi vẫn phải phòng, chống dịch bệnh. Có lẽ thích ứng, linh hoạt, năng động là những điều cần làm để biến nguy thành cơ.
Trong 2 năm qua, ngoại giao đã phát huy vai trò rất mạnh trong ngoại giao vaccine và y tế, xây dựng kế hoạch, tổ chức việc vận động các nước và các tổ chức quốc tế, với sự tham gia và chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao và các cấp, các ngành. Hiện nay, chúng ta đã đạt 100% kế hoạch này. Đây là nỗ lực và đóng góp rất lớn, giúp đất nước chuyển trạng thái sang sống chung an toàn và mở cửa trở lại.
Chúng ta cần tăng cường phát huy vai trò của các đại sứ như thế nào trong kết nối với doanh nghiệp trong nước, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số thưa ông?
- Ngoại giao kinh tế luôn là thành tố quan trọng trong tổng thể công tác đối ngoại và nay đã trở thành một nhiệm vụ chính. Nguồn lực từ bên ngoài ta huy động được cho đất nước là rất lớn, chúng ta đều nhớ là tổng kim ngạch thương mại còn lớn gấp đôi quy mô GDP cả nước, FDI và ODA đóng góp hết sức quan trọng vào phát triển qua hàng chục năm qua. Các cơ quan đại diện ở nước ngoài luôn có vai trò lớn, có vị trí đặc biệt, là cầu nối với các đối tác bên ngoài. Các đại sứ luôn đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế mọi mặt với nước sở tại, trong đó có việc vận động họ mở cửa thị trường cho sản phẩm của Việt Nam, kết nối doanh nghiệp, vận động các kênh hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam.
Riêng về phát triển xanh, sạch, kinh tế số, tôi nghĩ đây là xu thế mới nhưng sẽ trở thành chủ đạo trong phát triển trên thế giới, Việt Nam đã cam kết mạnh theo xu thế này. Vì vậy, trong việc thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, các đại sứ và các cơ quan đại diện Việt Nam cũng sẽ phải hình thành những “bộ lọc” thu hút những nguồn lực phù hợp với định hướng phát triển mới.
Chúng ta có lợi thế khi có một bộ phận kiều bào là những chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực. Chúng ta đã làm gì để có chính sách thu hút, huy động tốt hơn nữa sức mạnh đóng góp của bà con, thưa ông?
- Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học nên trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người có trình độ đại học trở lên thường chiếm trên 10%. Hiện nay có tới trên 500.000 trí thức và các nhà khoa học Việt Nam đang sống và làm việc tại các nước. Đáng chú ý, hầu hết trí thức Việt Nam ở nước ngoài đều có tình cảm gắn bó với cội nguồn, mong muốn đóng góp năng lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có đội ngũ trí thức, là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước và nhân tố quan trọng cho việc mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
Những chủ trương và chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai đồng bộ, trong bối cảnh đất nước đang thực hiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm việc; Hoặc định cư, làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên cộng tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và sản xuất trong nước. Nhiều người thành danh, có vị trí cao trong giới trí thức và khoa học tại các nước đã kết nối với nhiều tổ chức nghiên cứu, đào tạo và các đồng nghiệp, đưa nhiều công trình khoa học, công nghệ, tri thức và kinh nghiệm quý báu về đóng góp cho đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!