Vấn đề tưởng như đã cũ là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh một lần nữa lại được đặt ra tại hội thảo “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức sáng 3/6, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Các đại biểu tại Hội thảo.
Thực ra, chưa bao giờ Hà Nội không đặt ra mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhằm phát triển toàn diện con người, giữ gìn và phát huy giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội nhất là trong thời buổi toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. Nhất là với đặc trưng nổi trội của người Hà Nội được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử là “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Thanh lịch như thế, đối với người Hà Nội không phải chỉ là biểu hiện bên ngoài mà chính là hồn cốt Hà Nội trải qua bao biến thiên lịch sử.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã đánh giá những việc được và việc còn hạn chế trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2015-2020. Đồng thời dự báo những khó khăn, những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng sâu rộng những phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô. Thành phố cũng cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân.
Cũng theo các đại biểu, xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là thời điểm Hà Nội đang tiếp thu giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy văn hóa, người Hà Nội đang cố gắng gạn đục khơi trong, kiên trì thu nạp, dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữ gìn tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nền nếp ứng xử của người Kẻ Chợ xưa.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô: Hà Nội cần khảo sát kỹ lưỡng thực trạng văn hóa đô thị, văn hóa ứng xử của từng cư dân Hà Nội. Từ đó, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu giao tiếp, xu hướng thực hành ứng xử, lĩnh vực cần tập trung giải quyết, lĩnh vực có những tác động gián tiếp hoặc trực tiếp để định hướng, định hình chuẩn mực ứng xử văn hóa của người dân Thủ đô trong bối cảnh hiện nay.
Với vị thế của Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội, thanh lịch, văn minh phải được coi trọng, đặt thành một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong lộ trình phát triển của Thủ đô.