Các cơ quan chức năng không cấp phép, nhưng một căn nhà sàn to lớn đã ngang nhiên mọc lên giữa khu di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh Khe Rồng ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Việc làm tùy tiện này không chỉ phá vỡ kiến trúc tổng thể, ảnh hưởng đến sự trang nghiêm, linh thiêng của ngôi đền mà còn khiến dư luận tại Thanh Hóa đang hết sức quan tâm.
Nhà sàn được xây dựng trái phép trong khu di tích Khe Rồng.
Khoảng hơn một năm trở lại đây, dư luận tại Thanh Hóa khá bức xúc trước việc, trong khuôn viên – phía Đông di tích lịch sử đền Khe Rồng, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, một công trình nhà sàn khá đồ sộ, bề thế được xây dựng trái phép. Căn nhà sàn có diện tích khoảng 45m2, vật liệu chủ yếu bằng gỗ, nền xi măng, mái ngói, chồng lấn lên phần đất khu vực cần bảo vệ của di tích.
“Việc để một căn nhà sàn được dựng lên giữa không gian của di tích Khe Rồng là rất khó có thể chấp nhận. Nó không chỉ phá vỡ cảnh quan kiến trúc của khu đền mà còn không hợp lý về mặt tín ngưỡng. Họ nói rằng đây là khu nhà tạm cho Ban Trị sự Phật giáo huyện Như Thanh sử dụng tạm thời nhưng đây lại là khu di tích thuộc đạo Mẫu. Theo chúng tôi thì dù là ở tạm cũng không nên dựng tại đây!”- bà Lương Thị M, một người dân tại địa phương nói.
Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền địa phương, được biết: Di tích Khe Rồng bao gồm: Đền Mẫu và đền Đức Ông. Khu di tích này đã được Sở Văn hóa -Thông tin (nay là Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa) công nhận là di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp tỉnh theo quyết định số 220/QĐ-SVHTT ngày 20/01/1995.
Sở dĩ di tích có tên là Khe Rồng bởi vì đền nằm ngay trên bờ dòng sông có tên là Khe Rồng chảy uốn lượn như con rồng, có lẽ từ đặc điểm địa lý ấy mà người dân ở đây đã lấy địa danh của dòng sông để đặt tên đền. Đền Khe Rồng là nơi thờ đạo Mẫu - một tín ngưỡng thờ nữ thần nổi bật trong đời sống tâm linh và văn hoá của người Việt. Đạo Mẫu ở đền Khe Rồng là đạo Mẫu Tam Phủ gồm Đệ nhất phủ Liễu Hạnh, Đệ nhị phủ Thượng Ngàn, Đệ tam phủ Thuỷ Tinh. Cả ba vị thần đều cùng ngự trị trong thần điện. Ngoài ra, đạo Mẫu ở đền Khe Rồng du nhập cả thần hiệu Đức Ông.
Kể từ khi được công nhận đến nay, UBND thị trấn Bến Sung, Ban Quản lý di tích đền Khe Rồng và người dân trong vùng đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, tu bổ di tích, phát huy tốt giá trị của di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết chiều ngày 5/5, ông Lương Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: “Việc xây dựng nhà sàn trong khu di tích đền Khe Rồng đúng là chưa được sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc xây dựng và đặt nhà sàn tại khu di tích chỉ là sự cố mang tính tình thế. Nhà sàn được dựng lên là để làm nơi làm việc, đi lại tạm thời của đại diện Ban Trị sự Phật giáo huyện Như Thanh trong khoảng thời gian chưa có trụ sở, nơi làm việc. Sau khi được UBND tỉnh cấp đất, nơi làm việc, nhà sàn này sẽ được di dời hoặc huyện sẽ làm các thủ tục, xin giữ lại làm nhà khách cho di tích đền Khe Rồng nếu được các cơ quan chức năng cho phép!”.
Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Tuyết, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng cho biết: Qua kiểm tra hồ sơ, hiện Sở chưa hề cấp phép cho việc xây dựng nhà sàn tại đền Khe Rồng. Việc tự ý xây dựng đã vi phạm các quy định về quản lý di tích, di sản và ảnh hưởng xấu tới di tích đã được công nhận cấp tỉnh này. Với chức năng, thẩm quyền, Phòng sẽ tiến hành kiểm tra vấn đề này, xác định rõ vi phạm để có đề xuất xử lý theo các quy định hiện hành.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Sau khi tiếp nhận toàn bộ thông tin phản ánh từ phía báo chí về sự việc xây dựng nhà sàn trái quy định tại đền Khe Rồng, Sở sẽ thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra thực tế, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Sở cũng sẽ làm việc với UBND huyện Như Thanh và UBND thị trấn Bến Sung để tìm giải pháp giải quyết vấn đề này phù hợp nhất nhưng vẫn phải bảo đảm đúng các quy định về công tác quản lý, bảo vệ di tích của pháp luật”.