Không “rủng rỉnh” về ngân sách để có thể chi “mạnh tay” cho xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng nhờ kết hợp nhiều nguồn lực, nhất là phát huy sức dân, tỉnh Nam Định sớm gặt hái được những thành quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này, là một trong 2 tỉnh đầu tiên có 100% số xã “cán đích”, đạt chuẩn giai đoạn 2010-2020, đang hướng tới các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu…
Từ thay đổi nhận thức
Ngược thời gian, hơn 10 năm trước, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khi đó là ông Phạm Hồng Hà có dẫn đầu một đoàn cán bộ của tỉnh đi khảo sát triển khai xây dựng NTM ở 10 xã thực hiện thí điểm trong tỉnh, mục đích của chuyến đi, như báo Nam Định sau đó chạy tít trên trang nhất: “Lắng nghe để quyết định”.
Thời điểm đó, các xã mới đang trong quá trình xây dựng đề án, đại thể làm lại bao nhiêu tuyến đường, bao nhiêu cầu cống, nhà văn hóa, phòng học, dồn đổi bao nhiêu héc-ta đất, khu xử lý rác thải đặt ở đâu, đốt hay chôn lấp…
Nhớ khi ấy, báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy, các xã đều trình ra bản đề án có tổng chi phí thực hiện trên dưới 200 tỷ đồng, kèm lời đề nghị cấp trên…cấp tiền. Lời đề nghị đưa ra trong bối cảnh khi ấy thu ngân sách của tỉnh Nam Định mới chỉ đạt hơn 2000 tỷ đồng/năm và toàn tỉnh có hơn 200 xã. Thật không tưởng!
Kể lại chuyện trên để nói, hơn 10 năm trước, khi Chương trình xây dựng NTM mới bắt đầu được triển khai, hầu hết cán bộ cơ sở và người dân Nam Định vẫn hiểu rằng xây dựng NTM là một dự án đầu tư lớn của nhà nước, do nhà nước đầu tư, chính quyền, người dân nông thôn chỉ việc… thụ hưởng.
Tất nhiên, hệ thống chính trị, báo chí sau đó bằng các đợt vệt thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách không để nhận thức này tồn tại, nhanh chóng giúp cán bộ cơ sở, người dân hiểu rõ phương châm, cơ chế xây dựng NTM không đơn giản như vậy.
Xây dựng NTM là ở đó người dân đóng vai trò chủ thể, chủ động, trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ thực hiện, nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, xây dựng tiêu chí đánh giá và có hỗ trợ nguồn lực.
Trên thực tế sau đó ngân sách tỉnh Nam Định chỉ hỗ trợ mỗi xã 8 tỷ đồng, xã làm điểm được “nhỉnh” hơn một chút. Và, quy trình xây dựng NTM sau đó được Nam Định xác định là thôn lo công trình của thôn, xã lo công trình của xã, huyện, tỉnh lo công trình của huyện, tỉnh; quy trình là làm từ đồng về làng, từ làng lên xã, từ xã lên huyện. Không có sẵn nhiều ngân sách để cấp trực tiếp nhưng khi ấy Nam Định cho các xã cơ chế được giữ lại phần lớn nguồn thu từ đấu giá cấp quyền sử dụng đất trên địa bàn để xây dựng NTM.
Nhớ lại những năm đầu xây dựng NTM, khắp các thôn làng, xứ đạo ở Nam Định râm ran các cuộc họp bàn, bởi nguyên tắc số một của xây dựng NTM là phải phát huy dân chủ, mọi công trình, phần việc được làm từ nguồn lực của nhân dân phải được đưa ra bàn thảo trong nhân dân, chỉ khi nào có sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân mới được thực hiện; các công trình do nhà nước đầu tư có liên quan đến đời sống người dân cũng phải được tham vấn ý kiến cộng đồng…
Cuộc cách mạng trên ruộng đồng
Việc đầu tiên trong những năm đầu được cán bộ, người dân nông thôn Nam Định bàn thảo nhiều nhất dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Bối cảnh của Nam Định khi ấy là ruộng đất rất manh mún.
Ở những địa phương phía nam như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh, Xuân Trường ruộng đất nhiều hơn nhưng mỗi hộ cũng chỉ có khoảng hơn mẫu (10 sào bắc bộ); các huyện phía Bắc như Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc ít hơn, mỗi hộ chỉ có vài sào. Nhưng tất cả cùng có điểm chung được chia thành nhiều mảnh, nơi 5-6 mảnh, nơi cả chục mảnh, nằm ở nhiều vị trí, địa điểm khác nhau.
Mục tiêu sau dồn điền đổi thửa là mỗi hộ chỉ còn 2-3 mảnh, thấp hơn càng tốt; phải quy hoạch được vùng sản xuất, phải dồn đổi được quỹ đất công và nhân dịp này phải nâng cấp, mở rộng được hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng…
Nói thì đơn giản nhưng ruộng đất có nhiều loại, tốt, xấu, chỗ chuyên màu, nơi chuyên lúa, ruộng xa ruộng gần, tính toán sao cho sau dồn đổi phải đảm bảo công bằng về chất lượng, diện tích (hệ số K), rồi tính toán, cân đối diện tích đất các hộ phải hiến góp để mở rộng đường nội đồng là bao nhiêu, tính trên đầu khẩu hay đầu sào?
Nghĩa là phải kỳ công, bàn thảo nhiều lần mới có thể thống nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải vững, việc thực thi phải bài bản, khoa học, chính xác. Không có sự đồng thuận, quyết tâm, không có năng lực, kiến thức, kỹ năng không thể làm được!
Khó khăn, phức tạp như vậy nhưng cuối cùng đến năm 2015 toàn tỉnh Nam Định cơ bản đã hoàn thành việc dồn diền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Trong đó, hầu hết số thửa của nông dân trong tỉnh đã giảm xuống mức thấp nhất, nhiều địa phương mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa canh tác; đường giao thông nội đồng được mở rộng từ nguồn hiến góp đất của nông dân (báo cáo của UBND tỉnh năm 2015 cho biết nông dân trong tỉnh đã hiến góp số diện tích đất quy ra giá thị trường là gần 7000 tỷ đồng), tạo điều kiện cho máy làm đất, máy gặt, máy phun thuốc, xe tải…ra đồng, giải phóng sức người trong nhiều công việc nặng nhọc.
Đời sống “tam nông” ở Nam Định sau đó còn chứng kiến việc nhiều HTX nông nghiệp quy mô toàn xã, toàn thôn chấm dứt vai trò lịch sử khi xã viên nhiều nơi đồng thuận giải tán mô hình HTX không còn phù hợp này.
Thay vào đó, từ nhu cầu của cuộc sống, của những người có cùng chí hướng nhiều HTX kiểu mới ra đời theo Luật HTX năm 2012, với khác biệt là quy mô nhỏ hơn, ít thành viên hơn nhưng chuyên biệt, tinh nhuệ, năng động hơn, như các HTX chăn nuôi, HTX rau sạch, HTX trồng hoa, HTX chế biến…
Không dừng ở đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản cũng ra đời. Trong đó, mô hình liên kết sản xuất lúa giống, gạo sạch giữa nông dân nhiều xã, huyện trong tỉnh Nam Định với các Công ty Cường Tân, Công ty đã và đang được nhắc đến vì tính hiệu quả, bền vững.
Ở đó, doanh nghiệp là người đầu tư hạ tầng, cung cấp vật tư đầu vào, chuyển giao kỹ thuật, giám sát, các hộ, nhóm hộ nông dân, HTX nông nghiệp thực hành sản xuất. Sản phẩm làm ra sau đó được các doanh nghiệp thu mua. Quá trình liên kết được thực thi theo hợp đồng giữa hai bên…
Cách nay mấy năm, khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai, nhiều sản phẩm thế mạnh của Nam Định đã nhanh chóng được dán nhãn OCOP hạng cao, như gạo sạch, ngao thương phẩm, cá bống bớp, nước mắm…
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, đến tháng 7/2021, toàn tỉnh có 172 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình; có 146 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP các hạng 3 sao và 4 sao. Trong đó, 135 sản phẩm OCOP của tỉnh thuộc ngành thực phẩm (chiếm 92,4%); 7 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (4,8%); 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ (1,4%); 2 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn (1,4%).
Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành hồi tháng 6/2021 mới đây, về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 xác định OCOP là một trong những giải pháp đột phá. Cụ thể, tỉnh xác định: “Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tăng số lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu”…
Làng quê sáng, xanh, sạch, đẹp
Cùng với những chuyển động trên đồng ruộng, qua hơn 10 năm xây dựng NTM diện mạo làng quê, xứ đạo ở Nam Định đã có những thay đổi rất lớn. Ở đó, nhờ kinh tế phát triển nhiều hộ gia đình có điều kiện nâng cấp, xây mới nhà cửa theo hướng khang trang, hiện đại.
Đến nhiều làng quê, xứ đạo ở Nam Định ngày nay mới hay ở đây còn rất ít nhà ngói, đa số là nhà mái bằng và cao tầng. Cùng với đó hệ thống đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa, cổng làng…được hầu hết các cộng đồng huy động tiền bạc, công sức nâng cấp, làm mới.
Các cộng đồng lấy tiền ở đâu để làm? Câu trả lời từ chính các cộng đồng ở Nam Định là ngoài đóng góp của các hộ dân, hỗ trợ của ngân sách địa phương (đối với việc xây dựng Nhà văn hóa thôn, xóm) còn có nguồn rất lớn là đóng góp, ủng hộ của con em xa quê, thành đạt.
Không chỉ đóng góp tiền bạc, công sức, nhiều hộ dân ở vùng nông thôn Nam Định còn sẵn sàng hiến đất, phá dỡ cổng, bờ tường, thậm chí là nhà ở để giúp xóm làng có đất mở rộng đường làng, hình thành cả phong trào hiến đất xây dựng NTM.
Và, không chỉ hiến đất làm đường làng, nhiều dự án đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ ở Nam Định sau này cũng được làm theo phương châm xây dựng NTM, nghĩa là người dân đồng thuận hiến góp đất, tháo dỡ công trình trong phạm vi giải tỏa, không nhận đền bù. Một trong những thành quả là ngày nay ở nhiều làng quê, xứ đạo của Nam Định ô tô con, xe tải có thể chạy thông từ thôn làng ra đồng, ra huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ.
Không chỉ khang trang, làng quê Nam Định ngày nay còn được ghi nhận đã sạch hơn rất nhiều. Trước đó, nhiều xã ở Nam Định đã thành lập được các tổ thu gom rác, có khu tập kết rác thải tập trung. Quá trình xây dựng NTM, hơn 100 xã trong tỉnh xây dựng được lò đốt rác riêng. Ở giai đoạn hiện tại, Nam Định đang hướng đến việc xây dựng các lò đốt rác liên xã.
Hoạt động chăn nuôi lớn đều được tỉnh quy hoạch, di dời khỏi địa bàn khu dân cư. Ven những con đường làng ở nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định ngày nay, thay bằng những đống rác thải như trước đây, là những tuyến đường hoa-sản phẩm của Hội phụ nữ địa phương…
Không chỉ có vậy, từ chỗ chỉ có một số địa bàn nông thôn trong tỉnh được hưởng lợi từ các dự án nước sạch của nhà nước, đến hết năm 2020, toàn tỉnh Nam Định có 95% dân số được sử dụng nước sạch. Đây là thành quả của chương trình xã hội hóa công trình nước sạch nông thôn, mở đường cho nhiều doanh nghiệp bỏ kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy, kinh doanh dịch vụ này ở địa bàn nông thôn trong tỉnh.
Đặc biệt, ngay từ năm 2009 Công ty Điện lực Nam Định đã thực hiện tiếp nhận xong toàn bộ hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn trong tỉnh vốn do 324 HTX nông nghiệp quản lý, vận hành. Sau khi tiếp nhận Công ty đã từng bước đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống điện này.
Đến năm 2017, lưới điện của 209/209 xã trên địa bàn tỉnh Nam Định đều đạt chuẩn tiêu chí về điện, chấm dứt cảnh “bóng điện đỏ quạch”, “cắm phích là sập nguồn” kéo dài trong mỗi gia đình ở nông thôn Nam Định.
Ở các lĩnh vực xã hội quan trọng như y tế, giáo dục, khu vực nông thôn Nam Định cũng đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, đến hết Năm 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đã đạt 91%; trong nhiều năm qua Nam Định luôn dẫn đầu cả nước về kết quả, thành tích giáo dục. Góp phần đạt độ phủ BHYT cao trên, ở Nam Định, từ cán bộ hội phụ nữ, linh mục đến Bộ đội biên phòng cùng tham gia vận động, quyên góp giúp những người gặp khó khăn mua thẻ…
Đóng góp vào thành quả chung, ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tuyên truyền, vận động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân; sự hưởng ứng tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của người dân, cộng đồng doanh nghiệp; nhiệt huyết, nỗ lực của đội ngũ cán bộ thôn, xóm còn có sự đóng góp quan trọng của chức sắc các tôn giáo ở Nam Định, đặc biệt là trong việc truyền, vận động tín đồ, người dân, toàn xã hội hưởng ứng, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng NTM.
Với những thành quả vượt trội, cuối năm 2019, Nam Định vinh dự là tỉnh được đăng cai hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2020. Ở đó, Nam Định được “xướng danh” là một trong 2 tỉnh đầu tiên (cùng với Đồng Nai) có 100% số xã đã đạt chuẩn, hơn thế còn đạt chuẩn từ giữa năm 2019, hoàn thành mục tiêu chương trình trước 1,5 năm trong bối cảnh cùng lúc phải thực hiện nhiều công trình, phần việc, phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh nhưng vẫn giữ vững được an ninh nông thôn.
Sau khi đạt chuẩn, từ năm 2020 đến nay, theo chủ trương chung của tỉnh, các xã ở Nam Định tiếp tục hướng đến mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao, riêng huyện Hải Hậu đang nỗ lực cán đích Huyện NTM kiểu mẫu, với quan điểm “xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã có 78 xã đạt chuẩn NTM nâng cao…
Đưa công nghiệp về nông thôn
Đây là một trong những chủ trương, yếu tố đã và đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội khu vực nông thôn tỉnh Nam Định, theo các hướng tích cực. Theo đó, trong những năm qua, từ chủ trương đưa công nghiệp về nông thôn, địa bàn 9 huyện trong tỉnh đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các khu, cụm công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về đầu tư, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, ngoài KCN Hòa Xá ở ngoại thành TP Nam Định, tại huyện Vụ Bản có KCN Bảo Minh, tại huyện Mỹ Lộc có KCN Mỹ Trung, tại huyện Nghĩa Hưng có KCN dệt may Rạng Đông. Một số KCN khác như Hồng Tiến (Ý Yên), Mỹ Thuận (Mỹ Lộc)…đang được tỉnh triển khai xây dựng. Cùng với đó là hàng chục CCN nằm rải đều ở 10 huyện, thành phố đã và đang được tỉnh xây dựng…
Trước đó, để chuẩn bị cho các khu, cụm công nghiệp được xây dựng ở địa bàn nông thôn, nhiều dự án giao thông trọng điểm, tính kết nối cao đã được tỉnh huy động các nguồn lực cải tạo, nâng cấp. Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án giao thông trọng điểm khác cũng đã và đang được triển khai trên địa bàn.
Trong đó có tuyến đường bộ nối vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định (dài 46 km) với cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ-Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển; các đoạn Quốc lộ 37 B, Quốc lộ 38 B qua địa bàn, các tuyến tỉnh lộ 490C, 485, 488C, 489, 485B, 487B, 488B, 488C; tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường ven biển… Cùng với đó là các dự án đường thủy trọng điểm do Trung ương đầu tư trên địa bàn (cụm công trình Luồng qua cửa Lạch Giang, cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ)…
Giao thông mở mang, phát triển; các khu, cụm công nghiệp mọc lên, giúp cho ngày càng nhiều lao động ở tỉnh nổi tiếng “đất chật người đông”, nhất là ở khu vực nông thôn như Nam Định có việc làm, thu nhập mới ở khu vực công nghiệp, dịch vụ, “ly nông” nhưng không phải “ly hương”, với mức thu nhập tốt hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Không những thế, còn giúp cho nhiều con em Nam Định trước đây phải bôn ba ra ngoài tỉnh tìm kiếm việc làm nay được hồi hương làm công nhân, kinh doanh dịch vụ cùng nhiều sinh kế khác, không còn phải chịu cảnh “con xa cha mẹ”, “vợ xa chồng”, “bố mẹ già không người chăm sóc” cùng nhiều hệ lụy xã hội khác!
Không phải không còn những tồn tại, hạn chế, bất cập nhưng với những gì đã đạt được, cùng với cả nước nông thôn Nam Định đã và đang thực sự thay đổi, phát triển và còn nhiều cơ hội để thay đổi, phát triển!
“Một lần về xã Hải Hà (Hải Hậu) tôi thấy một chị đang chăm chú nhặt cỏ trong vườn hoa trước Nhà văn hóa xã. Hỏi chị làm thế này ngày công được bao nhiêu? Chị ấy giãy nảy lên bảo công cán gì đâu, vườn hoa do Hội phụ nữ xã đảm nhiệm việc chăm sóc, tôi là hội viên, thấy cỏ mọc thì phải xắn tay vào nhổ thôi!
Chuyện này cho thấy người dân đã nhận thức được xây dựng NTM là việc của chính mình, mình làm cho mình, từ đó nhiều người đã tham gia bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực; dù việc lớn hay nhỏ bà con đều tham gia bằng tinh thần tự nguyện, tự giác.
Giờ, đến đâu trong tỉnh cũng có thể gặp những tuyến đường do chi Hội phụ nữ, Cựu chiến binh hoặc Đoàn thanh niên tự quản. Điều đó cho thấy Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên nòng cốt có thể không đóng góp trực tiếp bằng tiền nhưng đã đóng góp rất hiệu quả bằng cách phát huy công sức, trí tuệ của các đoàn viên, hội viên; đóng góp bằng phương thức tổ chức quản lý, vận hành, khai thác các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh ở địa phương” - ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.