Kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay hầu hết các xã ở Nam Định đã đạt chuẩn NTM nâng cao, nhiều xã “cán đích” NTM kiểu mẫu, dẫn đầu cả nước về tiến độ, kết quả.
PV Báo Đại Đoàn kết có cuộc trò chuyện với ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định xung quanh câu chuyện xây dựng NTM ở tỉnh nằm ở trung tâm vùng nam Đồng bằng sông Hồng này.
PV: Thưa ông, thời gian qua Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ban hành nhiều quyết định công nhận các xã ở tỉnh đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay tỉnh đã có bao nhiêu xã đạt các mức chuẩn này?
Ông Trần Anh Dũng: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 vào năm 2019, sớm hơn 1,5 năm với 100% số xã, huyện đạt chuẩn, tỉnh Nam Định tập trung thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã có 156/161 xã, thị trấn (96,9%) đạt chuẩn NTM nâng cao; 41/146 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tính theo đơn vị mới sau sắp xếp, sáp nhập), nổi trội ở các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, chuyển đổi số, sản xuất, an ninh trật tự. Riêng huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, đang hướng đến mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu.
Đây là kết quả của sự chung sức, đồng lòng, kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp ở Nam Định trong nhiều năm qua cùng sự hỗ trợ hiệu quả từ Trung ương.
Ở giai đoạn đầu xây dựng NTM, tỉnh Nam Định được đánh giá có những kết quả nổi bật về thực hiện dồn điền đổi thửa; nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, giao thông ở địa bàn thôn, xóm; tập trung ruộng đất, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết…Ở giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tỉnh tập trung vào những hoạt động gì, thưa ông?
- Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 xác định xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân; gắn với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn-đô thị; phát triển hài hòa kinh tế-xã hội và môi trường; khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp;phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết, vai trò làm chủ của người dân theo phương châm “Dân cần-dân biết-dân bàn-dân làm-dân giám sát-dân hưởng thụ”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Triển khai thực hiện, tỉnh tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ, gồm: phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối nông thôn-đô thị, kết nối liên vùng; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân; bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; phát triển các lĩnh vực văn hoá-xã hội; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tỉnh phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu”, tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tôn giáo trong tỉnh.
Ông có thể cho biết rõ hơn kết quả phát triển hạ tầng nông thôn ở Nam Định trong gần 4 năm xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu vừa qua?
- Cùng với công tác quy hoạch, gần 4 năm qua tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin, hạ tầng thương mại, hạ tầng y tế, hạ tầng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.Theo thống kê, từ tháng 6/2021 đến 30/6/2024, tỉnh đã huy động gần 31 nghìn tỷ đồng phục vụ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Đến nay hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh đảm bảo tính đồng bộ, kết nối thông suốt từ đường dong xóm, trục xóm, liên xóm, trục xã, liên xã đến các tuyến huyện, đường tỉnh, quốc lộ.Ngoài hệ thống đường giao thông hiện có, các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thi công, tỉnh đã bổ sung quy hoạch thêm nhiều tuyến đường giao thông quan trọng.
Đến 31/8/2024, toàn tỉnh có 199 xã, thị trấn (chiếm 97,5% số xã, thị trấn trước khi sắp xếp) hoàn thành nội dung tiêu chí thủy lợi trong bộ tiêu chí NTM nâng cao. Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Hệ thống trường học các cấp tiếp tục được tăng cường cơ sở vật chất; đến 31/8/2024 toàn tỉnh có 675 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia (chiếm 92,7%); 615 trường đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn (chiếm 84,5%). Đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có 16/44 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực giáo dục.
Hệ thống nhà văn hóa xã, khu thể thao xã; nhà văn hóa, khu thể thao thôn/xóm được các địa phương trong tỉnh tiếp tục đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp theo tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Các điểm bưu điện văn hóa, đài truyền thanh xã, hệ thống loa đến các thôn, xóm cũng được cải tạo nâng cấp. Chất lượng dịch vụ viễn thông và internet tiếp tục được nâng cao, hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai hiệu quả đến cấp xã. 100% đơn vị cấp huyện, xã đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong điều hành, giải quyết công việc.
172 chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện về cơ sở vật chất. 100% trạm y tế cấp xã thường xuyên được cải tạo, nâng cấp, bổ sung thiết bị, dụng cụ y tế; đến 31/8/2024, toàn tỉnh có 199 xã, thị trấn (chiếm 97,5%) đạt tiêu chí y tế trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao.
Ngoài 52 công trình cấp nước sạch nông thôn hiện có, tỉnh đang triển khai xây dựng một số công trình khác. Các khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh được cải tạo, nâng cấp theo hướng thân thiện với môi trường.
Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn có nhiều chuyển biến tích cực ở các địa phương; phong trào trồng cây bóng mát, trồng hoa bên đường trục xã, thôn, xóm phát triển rộng khắp với 2.605 tuyến, dài 2.775 km đã được trồng.
Thưa ông, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là mục tiêu đặc biệt quan trọng trong xây dựng NTM. Mục tiêu này đã và đang được tỉnh Nam Định thực hiện ra sao, hiệu quả như thế nào?
- Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng nam Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng duyên hải Bắc bộ, có truyền thống, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; ngành nghề nông thôn cũng rất phát triển, trong đó có rất nhiều làng nghề truyền thống. Quá trình xây dựng NTM, tỉnh đặc biệt chú trọng, thực hiện nhiều giải pháp để phát huy những thế mạnh trên, qua đó phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập tại chỗ cho người dân.
Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, tỉnh chuyển hướng, từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong đó, ở lĩnh vực trồng trọt tỉnh tăng cường sử dụng giống chất lượng cao, tổ chức sản xuất theo mô hình "cánh đồng lớn" gắn với chế biến, áp dụng các phương pháp sản xuất an toàn. Hiệu quả là diện tích sản xuất giảm nhưng sản lượng, giá trị lại tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 399 cánh đồng lớn, tổng diện tích 18.599 ha, trong đó 3.916 ha được bao tiêu sản phẩm.
Ở lĩnh vực chăn nuôi tỉnh thực hiện giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, phát triển chăn nuôi theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại, theo chuỗi khép kín, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, xử lý chất thải, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Ở lĩnh vực thủy sản tỉnh chuyển dịch mạnh cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác đi liền là thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định…
Cùng với đó, tỉnh đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Trong đó, tổ chức lại các HTX hiện có, khuyến khích thành lập các HTX mới. Đến nay, toàn tỉnh có 387 HTX, trong đó có 330 HTX hoạt động hiệu quả, có 64 mô hình HTX nông nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động chế biến nông sản;đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này với công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại. Đồng thời, chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, đưa sản phẩm lên giao dịch trên một số sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, một số nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, Nhật Bản…
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai,hưởng ứng; số lượng sản phẩm được xếp hạng ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của tỉnh được hướng vào phục vụ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ứng phó biến đổi khí hậu.
Những nỗ lực trên đã giúp kinh tế nông nghiệp ở Nam Định phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 2,69 %/năm; năm 2023 giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 191,33 triệu đồng. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt.
Trên mặt trận sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, tỉnh tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn nông thôn để thu hút đầu tư về địa bàn này. Tập trung các giải pháp phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến, mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất. Riêng năm 2023, tỉnh triển khai hỗ trợ 29 dự án phát triển ngành nghề nông thôn. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được tỉnh chú trọng, đa dạng hóa các hình thức.Đến năm 2023, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh đạt 77,2%.
Theo thống kê, từ tháng 6/2021 đến 30/6/2024; các thành phần kinh tế, các hộ dân ở tỉnh đã huy động gần 176 nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm…
Các giải pháp đồng bộ trên đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, thúc đẩy các hoạt động kinh tế nông thôn ở tỉnh phát triển. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; giúp nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 70 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,09%; hộ cận nghèo giảm còn 2,76%; hộ nghèo đa chiều giảm còn 3,85%.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang ngày càng lan tỏa. Không chỉ là hoạt động kinh tế đơn thuần, OCOP còn hướng đến mục tiêu gìn giữ, quảng bá đặc trưng văn hóa vùng miền trong từng sản phẩm. Ông có thể cho biết rõ hơn việc triển khai chương trình này ở Nam Định?h
- Như đã chia sẻ, tỉnh Nam Định có nền nông nghiệp,ngư nhiệp, diêm nghiệp lâu đời, có nhiều làng nghề truyền thống. Từ nhiều đời nay, nông thôn, nông dân, ngư dân, diêm dân Nam Định đã và đang cung cấp cho xã hội nhiều sản phẩm thiết thực, từ các loại thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn…
Xác định OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất-thu nhập-hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, ngay sau khi Chương trình được Chính phủ triển khai, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành; nhận được sự hưởng ứng tích cực của các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn.
Quan điểm của tỉnh là không chạy theo phong trào, phải đi vào thực chất, theo quy luật cung cầu, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định về chất lượng sản phẩm.
Tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất. Trong đó, đã thuê đơn vị tư vấn hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình đáp ứng, duy trì việc quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quản trị doanh nghiệp. Tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động hội chợ, kết nối cung cầu; tập huấn kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể có sản phẩm được xếp hạng.
Để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm phải qua các bước đánh giá bài bản, toàn diện, bởi nhiều cấp. Tỉnh ban hành và thực hiện nghiêm quy chế quản lý chất lượng sản phẩm, trong đó các sản phẩm được chứng nhận phải đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc…
Từ nỗ lực chung, đến tháng 12/2024, toàn tỉnh đã có 529 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (463 sản phẩm 3 sao, 62 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ 2 sản phẩm là gạo Toản Xuân 888, Nghêu thịt hộp Lenger để đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh như gạo sạch, ngao sạch, muối sạch, nấm, cá bống bớp, mật ong vườn quốc gia Xuân Thủy, các sản phẩm chế biến từ thủy sản của các huyện Hải Hậụ, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; vải tơ tằm, sản phẩm du lịch nông thôn… đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, cả ở nước ngoài.
Tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng, thu hút đầu tư về địa bàn nông thôn. Ông nhìn nhận điều này đã và sẽ tác động như thế nào tới đời sống “tam nông” ở tỉnh?
- Phát triển sản xuất công nghiệp, đưa công nghiệp về địa bàn nông thôn là xu hướng tất yếu, tỉnh Nam Định không nằm ngoài xu hướng này. Vì vậy, những năm qua tỉnh đã huy động, chắt chiu từng nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để kết nối địa bàn nông thôn tỉnh với trung tâm tỉnh, với các trung tâm phát triển ở vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, vừa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn của tỉnh vừa nhằm hấp dẫn, thu hút các dự án đầu tư về khu vực này. Ở thời điểm hiện tại, cả tỉnh đang là một đại công trường khi cùng thời điểm nhiều dự án giao thông quan trọng đang được triển khai thi công.
Tỉnh cũng đã và sẽ dành một lượng lớn diện tích đất đai để xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn nông thôn, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của các nhà đầu tư. Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, ngoài 6 khu công nghiệp đang hoạt động (Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Bảo Minh mở rộng, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận), địa bàn tỉnh sẽ có thêm 10 khu công nghiệp mới, 1 khu kinh tế, cùng với đó là nhiều cụm công nghiệp ở địa bàn các huyện.
Hiệu quả thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh những năm qua khá tích cực, nhiều dự án đầu tư lớn, trong đó có các dự án FDI đã và đang được triển khai tại địa bàn nông thôn.
Như vậy, tác động tích cực đầu tiên là mọi hoạt động kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn sẽ được hưởng lợi, được thúc đẩy từ các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hiện đại, tính kết nối cao đã và đang được triển khai. Quá trình đô thị hóa tại đây cũng sẽ diễn ra nhanh hơn.
Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp, thủy sản sẽ giảm dần vì phải “nhường” đất cho các dự án hạ tầng, làm mặt bằng sản xuất công nghiệp. Một lượng lớn lao động khu vực nông nghiệp đã và sẽ được chuyển dịch sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, “mở đường” cho các cá nhân, tập thể có nhu cầu có thể tập trung ruộng đất triển khai các dự án nông nghiệp quy mô lớn. Trên thực tế, ở tỉnh đang hình thành ngày càng nhiều các mô hình sản xuất nông nghiệp như vậy từ việc tập trung ruộng đất.
Trước đây, khi các hoạt động kinh tế, nhất là các hoạt động sản xuất công nghiệp ở địa bàn nông thôn của tỉnh còn hạn chế, nhiều lao động khu vực nông thôn của tỉnh phải “ly hương” tìm việc làm.Đến thời điểm hiện tại tình hình đã khác, lao động khu vực nông thôn của tỉnh hoàn toàn có thể tìm được việc làm, thu nhập tại các khu, cụm công nghiệp ở ngay chính quê mình, “ly nông” nhưng không phải “ly hương”. Điều này rất có ý nghĩa!
Trân trọng cảm ơn ông!