Về Yên Thượng (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) hôm nay, từ xa xa, giữa màu xanh mướt mát của đồi rừng, những mái nhà hai tầng vươn lên điểm xuyết. Đôi khi, người ta cứ ngỡ rằng, đó là những ngôi nhà ở một làng quê trù phú vùng đồng bằng “đặt nhầm” vào vùng núi xa xôi này. Chính người dân Yên Thượng cũng ngỡ ngàng, không ngờ cuộc sống nơi đây thay đổi nhanh thế.
Chung tay làm những con đường NTM ở Bắc Kạn.
Yên Thượng vốn là xã thuần nông. Phó Chủ tịch UBND xã Ma Văn Thái nhớ lại, vốn là địa bàn thuần nông, nên muốn thay đổi đời sống kinh tế, thì phải nâng cao hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp. Xã đã tích cực phối hợp với huyện, các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân thâm canh, tăng vụ nhằm tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.
Khoảng 3 năm trở lại đây, thu nhập từ măng vầu của toàn xã được khoảng hai 2 tỷ đồng mỗi vụ. Hộ nhiều cũng thu được vài chục triệu đồng. Để giúp các hộ dân thoát nghèo, chính quyền còn hỗ trợ các mô hình kinh tế như nuôi gà thả vườn; trồng cây hồng không hạt gần 12ha, tại 8 thôn; 2,7ha cây chanh leo... Song song với phát triển kinh tế, hạ tầng được triển khai. Nhân dân đoàn kết, tự nguyện hiến đất, ngày công lao động làm đường bê tông nông thôn, đường thôn xóm. Ở nhiều thôn như Che Ngù, Bản Bây, Nà Mòn... sức dân được huy động hiệu quả, mỗi hộ sẵn sàng đóng góp để mua đất, mua vật liệu làm đường, xây nhà văn hóa. Những ngày tháng 3 vừa rồi, người dân Yên Thượng đã hân hoan đón Bằng Công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Bắc Kạn là địa bàn ít dân nhất Việt Nam, dân cư thưa thớt. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Là một trong những tỉnh nghèo của vùng núi phía Bắc, xây dựng NTM đặt ra rất nhiều thách thức. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đề ra mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 20% số xã (22 xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là một thách thức rất lớn với cả hệ thống chính trị. Đối với cán bộ Mặt trận, nhiệm vụ hết sức nặng nề. Phải làm sao vận động được nhân dân hiểu, nhân dân đồng tình, nhân dân ủng hộ trong điều kiện dân trí chưa cao, không ít người dân còn chưa thạo tiếng Kinh.
Xã Yên Đĩnh (huyện Chợ Mới) cũng là địa bàn gặp không ít khó khăn khi triển khai xây dựng NTM. Tuy nhiên, khi chọn được hướng đi đúng đắn, khi người dân tin tưởng, thì nhân dân đã cùng chính quyền địa phương phát huy mọi nguồn lực cho công cuộc chung. Hạ tầng nông thôn được đầu tư khá toàn diện, 100% đường trung tâm xã được bê tông hóa; hơn 60% đường trục thôn được cứng hóa; 65% hệ thống kênh mương thủy lợi được xây dựng kiên cố đáp ứng nước tưới tiêu cho hơn 80% diện tích đất nông nghiệp; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang; trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân năm 2019 đạt 34,78 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,74%, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao… Yên Đĩnh đã chính thức “cán đích” NTM trong năm 2019 vừa qua.
Nhiều xã trên địa bàn huyện Pác Nặm cũng đang thực hiện cuộc “đổi đời”. Từ nguồn vốn trực tiếp của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2019 huyện Pác Nặm được cấp hơn 57 tỷ đồng (bao gồm cả vốn ngân sách địa phương, vốn doanh nghiệp). Huyện đã đầu tư, nâng cấp 106 công trình giao thông với tổng chiều dài gần 60km. Trong đó có kinh phí hơn 10,6 tỷ đồng thực hiện các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như: Trồng rau an toàn, trồng cây sắn, nuôi lợn đen địa phương, mô hình trâu bò vỗ béo, trâu bò sinh sản, mô hình gừng, nghệ vàng; trồng cây vụ đông, hỗ trợ máy nông cụ… Từ sự đầu tư hạ tầng, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, người dân yên tâm phát triển sản xuất. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh cho thu nhập trên dưới 500 triệu đồng mỗi năm...
Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Đình Điệp cho biết: “Từ khi có Chương trình xây dựng nông thôn mới, có vốn đầu tư, nhân dân đồng lòng ủng hộ giúp sức, hiến đất xây dựng nhiều công trình phúc lợi thì nhìn chung đời sống vật chất của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các thôn, bản vùng cao đến nay cơ bản đã có đường đi lại thuận tiện”.
Đến thời điểm này, Bắc Kạn đã có 19 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2020 phấn đấu có thêm 4 xã về đích, gồm các xã: Địa Linh, Khang Ninh (Ba Bể), Nghĩa Tá (Chợ Đồn), Dương Phong (Bạch Thông).