Một số địa phương tuy đã đạt các điều kiện để công nhận cấp xã nông thôn mới (NTM), nhưng đời sống văn hóa pháp lý của người dân còn hạn chế, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhân dân chưa cao. Do đó việc bổ sung, lồng ghép các tiêu chí tiếp cận pháp luật (TCPL) vào Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Xây dựng nông thôn mới cần gắn với tiêu chí xây dựng pháp luật.
Đây là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo: “Bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 30/11.
Chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở lần đầu tiên được đề cập đến tại Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 23/1/2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên theo Bộ Tư pháp, sau gần 3 năm thực hiện triển khai đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc đánh giá cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc, bất cập. Trong đó nổi cộm là các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật quá rộng, bao trùm hầu hết các lĩnh vực quản lý của đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiều Bộ, ngành...
Trong khi đó, đối với việc xây dựng nông thôn mới đã được triển khai từ năm 2010 đến nay, việc triển khai nhiệm vụ này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng thực tiễn cho thấy ở địa bàn cơ sở, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, việc bảo đảm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật, các thiết chế thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền, lợi ích hợp pháp ngay tại cơ sở còn hạn chế - đó là những yếu tố có tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa, tinh thần, pháp lý của người dân mà nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đặt ra nhưng lại chưa xác định rõ trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
“Thực tiễn triển khai làm thử đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL ở một số địa phương trong thời gian qua đã xảy ra hiện tượng có địa bàn xã đã “đạt chuẩn NTM” nhưng không “đạt chuẩn TCPL” và ngược lại, ông Đỗ Xuân Lân, Q. Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết.
Cũng theo ông Lân, sở dĩ có hiện tượng này là do nhiệm vụ xây dựng NTM và xây dựng đạt chuẩn tiêu chí pháp luật đang được triển khai song song, nhưng thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các ngành, các cấp, trong đó có ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tư pháp. Do đó đòi hỏi phải sớm bổ sung tiêu chí TCPL vào Bộ Tiêu chí quốc gia về NTM để thực hiện thống nhất và tổng thể các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tổ chức thi hành pháp luật và xây dựng NTM.
“Việc đánh giá tiêu chí pháp luật cũng như triển khai nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiêu chí pháp luật nếu được đặt trong Bộ Tiêu chí quốc gia về NTM và chương trình xây dựng NTM sẽ góp phần thúc đẩy và thực hiện toàn diện xây dựng NTM, đảm bảo thực hiện, bảo vệ các quyền và lợi ích của người dân, các quyền con người, quyền công dân; cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa pháp lý ở cơ sở” – ông Lân khẳng định.
Đồng tình, TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho rằng cơ chế giúp đỡ pháp luật cho người dân còn hạn chế… Chính vì vậy việc bổ sung tiêu chí pháp luật vào Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật.