Xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt

Nhật Minh 10/11/2016 10:35

Thời gian gần đây, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các loại trái cây nhập ngoại nhưng lại đội lốt trái cây Việt để lừa người tiêu dùng. Giá thành không cao so với trái cây “xịn”, lại có vẻ ngoài bắt mắt, nên nhiều loại trái cây “rởm” đang chiếm lĩnh được thị trường và có nguy cơ cao đẩy trái cây Việt rơi vào tình trạng thất thế.

Xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt

Trái cây giá rẻ tràn lan thị trường.

Trái cây giá rẻ đội lốt hàng Việt

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), những loại trái cây nhập về Việt Nam bao gồm: Táo, cam, quýt, dưa vàng, hồng, lựu… với số lượng lên đến hàng trăm ngàn tấn mỗi năm.

Điều đáng nói, đây chủ yếu là các loại trái cây mà ngay tại Việt Nam cũng được trồng rất nhiều. Điều này dẫn đến nghịch lý, trong khi bà con nông dân Việt Nam luôn ở tình trạng “được mùa mất giá” thì người tiêu dùng lại thường xuyên phải ăn trái cây nhập ngoại.

Dễ nhận thấy trên thị trường, các loại cam, dưa vàng, táo… được bày bán nhan nhản. Và người tiêu dùng vẫn lầm tưởng đây là các loại trái cây “made in Việt Nam” do hầu hết, ai cũng nghĩ rằng, nước mình trồng đầy ra, tại sao phải đi nhập ở ngoài về để bán.

Tuy nhiên, khảo sát thị trường, có thể thấy, nếu so với các loại cam, quýt, dưa “của nhà trồng được”, thì các loại trái cây nhập ngoại có giá rẻ hơn rất nhiều. Đơn cử, cam nhập khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng cam sành “xịn” được bán với giá chỉ 20.000-30.000 đồng/kg. Trong khi giá cam trong nước có giá dao động từ 45 – 50.000 đồng/kg.

Tương tự, loại dưa lưới vàng, nho… nhập ngoại đang được bày bán tràn lan khắp các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội cũng chỉ với giá rất “bèo” và nếu so với giá nho, dưa của Việt Nam thì cạnh tranh hơn hẳn. Và với tâm lý cũng như mức thu nhập bình quân của người tiêu dùng hiện nay, tất nhiên họ sẽ lựa chọn các loại trái cây có giả rẻ hơn.

Điều đáng nói, các loại trái cây nhập ngoại nói trên đều không rõ ràng xuất xứ, thậm chí nhiều thương nhân còn làm ăn gian dối dán nhãn xuất xứ từ Việt Nam hoặc một số nước khác nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Thực trạng này đang đẩy trái cây Việt rơi vào nguy cơ thất thế, và nguy cơ này ngày càng cao hơn khi sắp tới, hàng trăm mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là nông sản sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018. Thực tế này đang khiến nhà sản xuất, DN, nhà quản lý đau đầu.

Quản lý bằng công nghệ số

Đây là một trong những bước đi được UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang thực hiện để bảo đảm chất lượng, thương hiệu cho các loại trái cây đặc sản của địa phương này.

Theo ông Cao Xuân Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), quy trình quản lý số được thực hiện bằng cách triển khai đến các DN sử dụng các loại túi lưới đựng trái cây có mã số riêng. “Cách này là giải pháp rất hữu hiệu để chống tình trạng hàng giả đội lốt hàng thật như đã và đang xảy ra trên thị trường hiện nay”-ông Hoàn cho hay.

Không những hạn chế được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, công nghệ số còn giúp bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của ta, đồng thời là dấu hiệu nhận biết các sản phẩm “made in Việt Nam” để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn khi mua hàng trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, địa phương đã và đang hoàn thành quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả theo hướng tập trung trồng cây ăn quả giá trị cao, đưa công nghệ vào sản xuất chế biến, xây dựng chuỗi liên kết giữa DN và nhà sản xuất… từ đó từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trái cây, nông sản của địa phương.

“Việc đưa công nghệ số vào quản lý các sản phẩm trái cây như bưởi, cam, vải… là một trong những giải pháp để giúp bảo vệ người tiêu dùng trước cơn bão nông sản giá rẻ sắp tới có thể tràn vào khi chúng ta thực thi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc trong thời gian tới”-ông Bình chia sẻ.

Theo giới chuyên gia ngành nông nghiệp, trước làn sóng nông sản giá rẻ đang có cơ hội tràn vào thị trường trong nước khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc tới đây, thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản để giúp người tiêu dùng trong nước nhận diện, phân biệt được đâu là hàng chất lượng, đâu là hàng kém chất lượng… là một trong những việc các DN cần phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO