Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Xây dựng thương hiệu Tây Nguyên thân thiện với nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê.
Sáng 11/3, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017.
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện cho Bộ ban ngành, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.000 km2, dân số hơn 5,6 triệu người và được xác định là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước. Toàn vùng có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp (gồm 850 ngàn hécta trồng cây hằng năm và 1,15 triệu hécta trồng cây lâu năm) và 3,35 triệu hécta đất lâm nghiệp. Đây cũng là địa bàn có tiềm năng cho thủy điện, điện mặt trời, điện gió rất lớn. Trong lòng đất Tây Nguyên, đến nay phát hiện một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, sét cao lanh, bauxite. Đặc biệt, bauxit Tây Nguyên có trữ lượng khoảng 7 tỷ tấn quặng nguyên khai (tương đương 3,2 tỷ tấn tinh quặng), phân bố chủ yếu ở Đắk Nông và Lâm Đồng.Về cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua Tây Nguyên đã được đầu tư hằng trăm nghìn tỷ đồng xây dựng “điện, đường, thủy lợi, khu và cụm công nghiệp”.
Quang cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư.
Về thu hút đầu tư, các địa phương đã chủ động, tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Vùng. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 266 nghìn tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 11,33%, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân tăng từ 53,4% lên 69,28%. Đến nay có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 772,5 triệu USD. Năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư tăng 111,67% về số dự án và tăng 76,76% về vốn đăng ký.
Qua đó góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ để kinh tế Tây Nguyên vươn lên, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,19%, 2016 tăng 7,47%), kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước phát triển; hệ thống đường giao thông đã được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới rộng khắp, vừa liên kết 5 tỉnh trong vùng, vừa nối Tây Nguyên với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông - Tây.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Nguyên, trong đó có đóng góp rất lớn của các nhà đầu tư, của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chia sẻ, Tây Nguyên vẫn là một vùng nghèo, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cụ thể: Quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các địa phương và doanh nghiệp vùng Tây nguyên còn nhỏ và yếu. Liên kết giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác và khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam còn hạn chế. Khu vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao 43%, gấp trên 2,6 lần bình quân cả nước (cả nước 16,32%). Ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa tạo được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, thiếu liên kết giữa các khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ; chậm tái canh; còn phát triển tự phát cây cà phê, cao su, hồ tiêu...
Thủ tướng nhấn mạnh, để thu hút đầu tư phát triển Tây Nguyên thành một vùng kinh tế trọng điểm, phát triển nhanh và bền vững, cần chú trọng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và phát triển du lịch.
Theo người đứng đầu Chính phủ, các ban ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau: Các tỉnh trong Vùng cần có sự đột phá trong tư duy phát triển; định vị chính xác vị trí, vai trò, các tiềm năng, lợi thế của mình và đặt trong không gian kinh tế của Vùng, liên Vùng, nhất là phát triển theo ngành - lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm, chủ động đề xuất lên Chính phủ những chính sách đặc thù tạo xung lực cho sự phát triển của toàn Vùng; phải tiết kiệm tài nguyên, nhất là đất đai, nước, khoáng sản để sử dụng lâu dài, không phát triển quá nóng vội, sử dụng lãng phí.
Tập trung làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, không chỉ đối với Tây Nguyên mà cả trên phạm vi cả nước. Kiên quyết không để nạn khai thác bừa bãi tài nguyên rừng tiếp diễn, chú trọng công tác trồng rừng, nhất là trồng thay thế. Người đứng đầu các cấp ở địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên và không hoàn thành nhiệm vụ phát triển rừng.
Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp.
Toàn vùng phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 3 vạn doanh nghiệp hoạt động, gấp đôi so với hiện nay (khoảng 17.200 doanh nghiệp).
Đối với 3 lĩnh vực tiềm năng phát triển (nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, năng lượng gió - mặt trời); cần tập trung xây dựng chính sách, huy động nguồn lực, địa điểm và dự án cụ thể có tiềm năng, phù hợp với nhu cầu thị trường để kêu gọi đầu tư.
Cần xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển vùng, đẩy mạnh liên kết ngành, vùng trong chuỗi giá trị, tạo động lực phát triển của vùng Tây Nguyên, đồng thời có tác động lan tỏa ra các tỉnh Duyên hải miền Trung cũng như các tỉnh phía Tây của các nước bạn trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Thủ tướng yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng thương hiệu Tây Nguyên thân thiện với nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Tại Hội nghị này, các tỉnh Tây nguyên đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư với số vốn kỷ lục 106 nghìn tỷ đồng gấp 6 lần vốn đầu tư cam kết tại Hội nghị lần thứ 3 năm 2015 (16.600 tỷ đồng) với 36 dự án. Đây là một tin vui đối với đồng bào các dân tộc trong Vùng và khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào Tây Nguyên.