Đề án Văn hoá công vụ mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất được dư luận xã hội quan tâm trong những ngày qua.
Điều này khiến chúng ta không thể không suy nghĩ về một câu hỏi: Vì sao lề lối làm việc, chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lại được xã hội kỳ vọng về một sự thay đổi sau khi Đề án được thực hiện đến thế? Phải chăng lâu nay vấn đề thực thi công vụ dù đã được triển khai nhiều biện pháp để nâng cao đạo đức công vụ thì vẫn là vấn đề khiến người dân cực kỳ bức xúc?
Một trong những điều được đề cập trong Đề án Văn hóa công vụ khiến dư luận đặt nhiều kỳ vọng là sự thay đổi cách giao tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ với nhân dân và đặc biệt ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”.
Cụ thể, nếu cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ “tham nhũng vặt”, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao…
Nói về những điều này, chúng ta phải đặt trong bối cảnh vừa mới cách đây không lâu, khi công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có những số liệu rất đáng tiếc về thực thi công vụ. Đó là 3,35% số người được hỏi trong cả nước cho biết họ vẫn bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình đi giải quyết công việc và 1,85% số người được hỏi khẳng định có hiện tượng cán bộ gợi ý nộp thêm tiền ngoài quy định…
Khoan hãy bàn đến văn hóa công vụ mà việc chỉ làm đúng chức trách, thực thi công vụ đúng pháp luật cũng đang là vấn đề ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa đạt tới. Trong khi chúng ta đều biết ngay từ những ngày đầu tiên thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề: Cán bộ là công bộc của dân, chính quyền là để phục vụ nhân dân.
Bộ máy hành chính của chúng ta bao năm qua đã từ những mục tiêu đầu tiên của ngày đầu thành lập nước, nhiều lúc, nhiều nơi trở thành “cửa quan” hách dịch, sách nhiễu, phiền hà nhân dân. Nhiều năm, từ chủ trương và lý thuyết đúng đắn, chính quyền “của dân, do dân và vì dân” đã có lúc trở nên xa vời vợi với đời sống nhân dân.
Nỗ lực cải cách hành chính, thiết lập một nền dịch vụ hành chính công, hình thành một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ đạt tới chuẩn mực công vụ đã được triển khai bằng nhiều biện pháp quyết liệt trong những năm qua. Đó không phải là việc có thể ngay lập tức đạt được như kỳ vọng.
Chắc chắn phải mất thời gian mới có thể dần dần thay đổi một nhận thức, rằng các cơ quan hành chính không phải “hành là chính” mà đang thực hiện các dịch vụ hành chính công và bộ máy nhà nước là cơ quan phục vụ nhân dân. Cũng phải có thời gian để những giải pháp đặt ra trong Đề án Văn hóa công vụ thấm nhuần vào thực tiễn, mà đích đến cuối cùng là sự hài lòng của nhân dân.
Thực ra, như chúng tôi đã nói ở trên, những gì đặt ra trong Đề án Văn hóa công vụ hoàn toàn không phải yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải đạt tới những chuẩn mực cao siêu. Đó hoàn toàn là những gì thuộc về chức trách, nhiệm vụ theo đúng qui định mà một nền công vụ phải đạt tới. Tức là chỉ bao gồm những điều mà cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân trong khi thực thi chức trách công vụ của mình.
Ví dụ như cán bộ, công chức, viên chức phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Đề án cũng đề cập đến yêu cầu tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”… trong thực thi công vụ.
Để có văn hóa công vụ, có lẽ không thể nào khác được là trong giao tiếp với người dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Khi nào thực hiện được những yêu cầu này, đương nhiên sẽ tránh được phiền hà, xách nhiễu, tham nhũng vặt.
Không tự thay đổi từ nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, thì dù cho có những cải cách nhờ ứng dụng công nghệ như chính phủ điện tử hay quy trình một cửa nào đó cũng vẫn không làm giảm phiền hà sách nhiễu. Những “lắt léo” của các dịch vụ hành chính công mà chỉ người dân đang trực tiếp đến làm dịch vụ mới hiểu là thế nào, họ cũng khó để trả lời trong những phiếu điều tra khảo sát xã hội học.
Cho nên, thành công hay thất bại của cải cách hành chính, có đạo đức và văn hóa công vụ hay không hoàn toàn là trông chờ ở nhân tố con người. Cán bộ, công chức, viên chức có nở nụ cười khi tiếp xúc với nhân dân hay không, có nịnh bợ lấy lòng cấp trên, nạt nộ cấp dưới hay không thì không ứng dụng công nghệ nào làm thay được.
Đề án Văn hoá công vụ được xây dựng với mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ... Đi vào nhân tố con người, chấn chỉnh đội ngũ là một hướng đi đúng đắn của Đề án.
Nhưng từ những yêu cầu đặt ra của Đề án đến việc tạo ra một thay đổi trong thái độ phục vụ nhân dân, trong tác phong lề lối làm việc, trong chuẩn mực về đạo đức, lối sống…, thậm chí trong từ cả cung cách ăn mặc, đi đứng… là cả một quá trình lâu dài. Mà trước tiên, cần phải thay đổi về nhận thức, nền công vụ là để thực thi chức trách và phục vụ nhân dân, không phải là nơi để thực hiện những đặc quyền đặc lợi của những người đang nắm giữ trách nhiệm thực thi nền công vụ ấy. Lúc ấy, mới có thể bàn về văn hóa công vụ.