Chú trọng phát triển văn hóa đọc tại vùng nông thôn, miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, văn hoá đọc ở trẻ em nói riêng sẽ không thể phát triển rộng lớn nếu hệ thống phát hành sách chỉ tập trung ở thành phố và trẻ em nông thôn, miền núi vẫn còn “đói sách”.
Niềm vui của trẻ em nông thôn.
Chất chưa song hành với lượng
Theo số liệu thống kê cả nước hiện có khoảng trên 100 đơn vị phát hành xuất bản phẩm, với khoảng 13.700 nhà sách, hiệu sách, trung tâm sách, siêu thị, điểm cho thuê, mua bán sách; gần 300 công ty trách nhiệm hữu hạn, tư nhân kinh doanh xuất bản phẩm. Tuy nhiên, những đơn vị phát hành sách này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, còn các đơn vị phát hành sách ở các địa phương, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa đang ngày càng thu hẹp. Bởi thực tế trẻ em ở miền núi, kể cả bộ phận các em chưa sõi tiếng Việt, nhưng các em vẫn có nhu cầu xem sách, đặc biệt là truyện tranh về các truyền thuyết dân gian, các danh nhân văn hóa, các anh hùng dân tộc, các tấm gương hiếu thảo, các sách truyện cổ tích, truyện lịch sử, giáo dục về tác hại của các tệ nạn xã hội như uống rượu, hút thuốc phiện… và sách bằng tiếng dân tộc của các em. Thậm chí việc trẻ em nông thôn, miền núi ít đọc sách, một phần vì do thiếu sách, một phần khác vì do các em phải đọc những cuốn sách không phù hợp, nên không thích đọc.
Phân tích về thực trạng này, theo ông Phạm Thế Khang- Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, nguyên nhân là do khi cổ phần hóa, các đơn vị phát hành lo doanh thu và lợi nhuận, nên chỉ chú trọng đến thị trường ở các thành phố lớn, mà không chú trọng đến mảng sách cho trẻ em nông thôn miền núi, cũng không quan tâm đến việc phát hành sách đến miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cũng theo ông Khang sau khi tìm hiểu thì nhiều gia đình ở nông thôn, miền núi chưa có ý thức rèn luyện cho con thói quen đọc sách, chưa có ý thức mua sách thường xuyên cho con, nhiều gia đình thì không đủ điều kiện để có thể mua sách cho con…
Cùng với việc chương trình mục tiêu quốc gia về trang bị sách cho các thư viện huyện ở vùng sâu, vùng xa đã không còn được duy trì, các thư viện công cộng cấp huyện, xã không được cung cấp sách thường xuyên, chính vì vậy, mà sách về nông thôn ngày càng ít. Thiếu sách, dẫn đến tình trạng các em thiếu nhi không có cơ hội biết yêu thích việc đọc sách, đồng thời cũng ngày càng kéo dài khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi. Đơn cử, một thực trạng đáng ngại, không chỉ mạng lưới phát hành sách ở nông thôn, miền núi bị thu hẹp, mà hệ thống thư viện ở các trường học ở nông thôn, miền núi hầu như chỉ có sách giáo khoa, thậm chí sách giáo khoa cũng không đủ cho học sinh mượn học.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của rất nhiều địa phương dù đã tiến hành trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm VHTT cấp xã, phường hay thậm chí là các bưu điện văn hóa xã… đều là những thiết chế văn hóa có thể tạo dựng không gian đọc công cộng để người dân đên tới đọc, mượn sách và truy cập thông tin miễn phí. Thế nhưng sau một thời gian rầm rộ, những nơi này đều trở nên… đìu hiu, vắng vẻ.
Đem vấn đề này trao đổi với bà Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cũng thừa nhận hiện nay các thư viện công cộng cũng như thư viện trường học ở miền núi vẫn còn khó khăn vì thiếu sách. Một phần do điều kiện bổ sung tài liệu từ nhà trường và thư viện công cộng hạn chế. Bên cạnh đó, do chương trình mục tiêu quốc gia về việc trang bị sách cho các thư viện huyện ở vùng sâu, vùng xa đã không còn được duy trì. Chính vì vậy, ngoài sự cung cấp của Nhà nước, các thư viện hiện đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đầu sách.
Bài học từ cộng đồng
Có thể thấy việc triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặc biệt với vùng nông thôn, miền núi đang đứng trước vô vàn những thách thức. Tuy nhiên, bằng việc xuất hiện nhiều phong trào thiện nguyện vì cộng đồng, trong đó có phong trào đưa sách về nông thôn đã xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả. Trong nhiều năm nay, các mô hình tủ sách nối tiếp nhau ra đời phù hợp với nhiều vùng nông thôn khác nhau và ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội, như mô hình Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Không gian đọc, thư viện trong khuôn viên chùa...
Nổi bật là dự án “Sách hóa nông thôn” của anh Nguyễn Quang Thạch, trong vòng hơn 10 năm, Nguyễn Quang Thạch cùng những người đồng sự của mình đã xây dựng được gần 10.000 tủ sách ở nhiều tỉnh, thành. Tương tự, dự án “Tủ sách Lam Sơn” của nhóm trí thức, doanh nhân là những người con xứ Thanh hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện sách theo mô hình “Tủ sách lớp học”, với mục tiêu tặng tủ sách cho các học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội đã tự xây dựng chương trình “Tủ sách lớp học” tại Hải Hậu. Tỉnh Nam Định cũng đã phát động chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học ở Nam Định”, với mục tiêu phủ sách lên toàn bộ 10 huyện và thành phố của tỉnh, để các học sinh Nam Định từ mẫu giáo đến trung học đều được tiếp cận với sách phù hợp với các em...
Nhìn vào một số mô hình tủ sách hiệu quả trên có thế thấy lộ trình xây dựng tủ sách cần phải có những nguyên tắc chung như xác định đối tượng phục vụ chính của tủ sách, địa điểm đặt tủ sách, người quản lý, vấn đề tự bổ sung nguồn sách và hiệu ứng nhân rộng các mô hình. Bên cạnh đó, phong trào này cũng cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, nhất là sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan như thư viện, giáo dục trong việc hỗ trợ nguồn vật chất, tạo điều kiện về cơ chế để các mô hình tủ sách hoạt động hiệu quả.