Kinh tế

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh: Mở lối xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Khanh Lê 13/03/2024 08:10

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2023 Việt Nam xuất khẩu được 515 triệu USD động vật và sản phẩm động vật, con số này khá khiêm tốn so với tiềm năng. Vì vậy, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là cơ sở thuận lợi, tạo đà để Việt Nam gia tăng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

anh-bai-tren(3).jpg
Chăn nuôi gia cầm nông hộ ở huyện Yên Thế, Bắc Giang. Ảnh: Nghinh Xuân.

Kết nối cơ sở an toàn dịch bệnh

Theo Bộ Công thương, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 22,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 110,35 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2022. Về thị trường, thịt và sản phẩm thịt xuất khẩu sang 28 thị trường trên thế giới, trong đó chủ yếu là các thị trường Trung Quốc, Bỉ, Malaysia, Campuchia, Pháp, Mỹ. Trong đó, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất của Việt Nam với 9,63 nghìn tấn, trị giá 60 triệu USD, tăng 25,3% về lượng và tăng 41% về trị giá so với năm 2022.

Theo các chuyên gia, con số trên còn khá khiêm tốn so với tiềm năng mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang có. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, dù năm 2023 xuất khẩu đã tăng 25,3% về lượng nhưng con số này vẫn rất nhỏ. Bởi dù là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu thịt lợn (thị phần thịt xẻ chiếm 49% tổng thịt lợn thế giới), đứng thứ 3 thế giới về sản lượng thịt bò, thứ 3 thế giới về sản lượng thịt gia cầm nhưng Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân vẫn là thị trường tiềm năng về thịt và sản phẩm chăn nuôi nói chung. Chưa kể về vị trí địa lý, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền dài 1.449,56km, thông qua 9 cặp cửa khẩu nên có thể rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá, giảm chi phí.

Để tận dụng được lợi thế cũng như cơ hội, theo các chuyên gia, việc hình thành những vùng an toàn dịch bệnh (ATDB), có thể là quy mô huyện, nhiều huyện hoặc nhiều tỉnh thành liên kết với nhau. Xuất phát từ thực tế này, mới đây, Bộ NNPTNT đã ký kết biên bản ghi nhớ về xây dựng vùng ATDB giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NNPTNT khẳng định, việc ký các bản ghi nhớ về xây dựng vùng ATDB với bệnh lở mồm long móng là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam nói chung và Bộ NNPTNT nói riêng với nước bạn Trung Quốc.

Cũng theo ông Long, rất nhiều cơ sở chăn nuôi lớn hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như thế giới. Nhưng để hình thành vùng ATDB đòi hỏi vai trò quản lý của nhà nước là kết nối những cơ sở ATDB với nhau vào trong một sân chơi, tuân thủ chung quy định.

“Khi triển khai vùng ATDB, chi phí chăn nuôi là thấp nhất, hiệu quả cao nhất, thay vì tốn rất nhiều tiền của để phòng bệnh, để chữa bệnh cho vật nuôi, tiêu hủy rồi tồn dư hóa chất, thuốc phải giám sát, cảnh báo. Tuy nhiên, ban đầu để hình thành nên vùng ATDB phải xác định sẽ khó khăn, vất vả, cần sự mạnh dạn vào cuộc của lãnh đạo địa phương chứ không chỉ là tròn vai” - ông Long cho biết thêm.

Có chính sách đầu tư xây dựng vùng ATDB

Mục tiêu chung của Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 là: Nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, ATDB, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 3- 4 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này việc liên kết thiết lập vùng ATDB rất cần thiết. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, cả nước mới có 2.257 cơ sở ATDB và vùng ATDB tại 59 tỉnh, thành phố.

Là địa phương có 7 vùng chăn nuôi ATDB, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh chia sẻ, việc triển khai xây dựng vùng ATDB phục vụ xuất khẩu là cơ hội tốt để tỉnh Lào Cai nâng cao nhận thức, chủ động, có nhiều biện pháp phù hợp hơn để phòng chống dịch bệnh động vật, tiến tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, Trung Quốc là thị trường có số lượng dân cư rất đông và nhu cầu thực phẩm lớn. Trước đây, khi chưa có hàng rào biên giới thì xuất khẩu tiểu ngạch rất lớn. Từ khi có hàng rào, hoạt động xuất khẩu nông sản giảm sút do có nhiều quy định từ phía Trung Quốc mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Đến nay, Việt Nam đã có Bản ghi nhớ về xây dựng vùng ATDB đối với bệnh lở mồm long móng, triển khai bản ghi nhớ này, Việt Nam có thể xuất khẩu được sản phẩm sang Trung Quốc.

Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã chăn nuôi theo quy trình khép kín từ giống, thức ăn dinh dưỡng, phòng bệnh an toàn sinh học, giết mổ, chế biến và vận chuyển. Đơn cử, trình độ công nghệ của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn De Heus… không thua kém các nước trên thế giới. Do vậy, đây chính là cơ hội để sản phẩm chăn nuôi Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách nhanh nhất.

Chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng chuỗi, vùng ATDB động vật phục vụ xuất khẩu là biện pháp phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa để hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học. Muốn vậy, các ngành, địa phương phải có các giải pháp, đề án triển khai thật đồng bộ. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng ATDB động vật phục vụ xuất khẩu, nâng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh: Mở lối xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO