Cao điểm du lịch mùa hè đã đến cùng nỗi lo “chặt chém”. Cho dù chính quyền các địa phương nói rằng “không nương nhẹ” nhưng vấn nạn đó không chấm dứt. Xây dựng văn minh thương mại không chỉ ở một lĩnh vực, không chỉ trước mắt mà phải là công việc thường xuyên, lâu dài. Trong đó, vai trò đặc biệt quan trọng thuộc về chính quyền địa phương.
Dư luận bất bình trước nạn chặt chém du khách nước ngoài. Có thể kể đến vụ 2 người đạp xích lô ở Huế “chém” 2 du khách quốc tịch Australia 350.000 đồng/xe, khi cố tình đạp lòng vòng để kéo dài quãng đường. 2 du khách nọ đã phản ánh lên mạng xã hội, khiến Thanh tra Sở Du lịch và Công an thành phố Huế phải vào cuộc xử lý.
Gần đây hơn, ngày 13/5, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã mời tài xế taxi lên làm việc, liên quan vụ du khách Pháp bị "chém" 500.000 đồng cho quãng đường hơn 100 mét và đòi thêm 500.000 đồng mới trả lại tài sản khách bỏ quên trên xe.
Sự việc cũng chỉ “lộ sáng” khi một người kinh doanh tour du lịch ở Hà Nội đăng lên mạng xã hội.
Văn minh thương mại là khái niệm đã được nói đến từ lâu với nhiều lớp ý nghĩa. Tuy nhiên, nghĩa hẹp và dễ hiểu nhất là văn hóa kinh doanh; tôn trọng, không lừa đảo “chặt chém”, không bắt bí nâng giá vô tội vạ. Không lừa bán sản phẩm chất lượng thấp, kể cả hàng giả, hàng nhái.
Văn minh thương mại sẽ đem lại cơ hội kinh doanh bền vững. Ngược lại, nó sẽ làm xấu đi hình ảnh, mất uy tín. Thực tế cho thấy, để xây dựng uy tín, thương hiệu, thiện cảm và sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm cần rất nhiều nỗ lực và thời gian. Nhưng để đánh mất nó thì chỉ cần trong “một nốt nhạc”, khi đối tượng áp dụng triệt để hành vi thương mại xấu xí hòng trục lợi.
Ở nhiều quốc gia, cũng không phải không có việc “chặt chém” người nước ngoài đến du lịch, làm việc. Nhưng họ xử lý rất nghiêm. Tại Thái Lan, Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) gần đây đã triệu tập hàng loạt cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề du khách nước ngoài bị các tài xế xe tuktuk và taxi săn đón, sau đó ép họ mua hàng hóa, dịch vụ từ các cửa hàng được móc nối từ trước.
Tại Australia, chính quyền bang New South Wales liên tục áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để xử lý tài xế lừa đảo du khách, trong đó có việc bố trí cảnh sát mặc thường phục đi taxi và phạt những tài xế không sử dụng đồng hồ tính tiền hoặc tính cước quá cao. Tài xế taxi vi phạm sẽ bị cấm hành nghề chứ không chỉ sa thải khỏi một công ty.
Còn tại Singapore, cơ quan quản lý giao thông đường bộ vận hành hệ thống trừ điểm vào giấy phép hành nghề của các lái xe. Theo đó những tài xế taxi bị 6 điểm trừ trở lên sẽ bị đình chỉ giấy phép hành nghề có thời hạn; thu hồi giấy phép hành nghề vĩnh viễn (đối với trường hợp 21 điểm).
Tương tự tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng thành phố Seoul tiến hành kiểm tra các khu chợ thu hút nhiều khách du lịch dưới hình thức đóng giả thành "người mua sắm bí mật", để phát hiện những hành vi thương mại sai trái.
Như vậy có thể thấy, để bảo vệ du lịch, bảo vệ thương hiệu và uy tín, kể cả uy tín quốc gia, các nước đều xử lý nặng những trường hợp gian lận thương mại, “chặt chém”. Họ không đợi khi việc xấu bị phanh phui trên mạng xã hội mới vào cuộc, mà chủ động chặn ngay từ đầu. Trong trường hợp vẫn xảy ra, sẽ lập tức xử lý nghiêm và công khai danh tính.
Thời gian qua, quyết tâm xử lý nạn “chặt chém”, xây dựng văn minh thương mại ở nước ta được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do xử lý không triệt để cũng như cơ quan chức năng vào cuộc muộn màng nên vấn nạn này vẫn tồn tại. Nhất là tại các điểm du lịch, khi mùa cao điểm đến lập tức giá các loại hàng hóa, dịch vụ tăng vọt. Từ giá phòng nghỉ, giá taxi, xích lô... cho đến giá một bữa ăn. Đáng tiếc là điều đó đôi khi đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, đến độ người ta coi hành vi thương mại xấu đó như một sự tất nhiên.
Lỗi xuất phát là ở người kinh doanh, phục vụ. Nhưng trách nhiệm phải thuộc về cơ quan quản lý của chính quyền địa phương. Nếu vẫn chỉ dừng lại ở hô hào, nhắc nhở và “xử lý nhẹ nhàng nhằm rút kinh nghiệm chung”, thì vấn nạn đó vẫn sẽ tái diễn.