Nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đang là vấn đề nan giải tại nhiều địa phương. Các dự án nhà ở cho các đối tượng này mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế của người lao động. Công nhân, người lao động nghèo cần hơn hết một cơ chế hỗ trợ thuận lợi để có điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhiều công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn sống trong khu trọ xuống cấp.
Đòi hỏi bức thiết
Tính đến hết năm 2016, cả nước đã hoàn thành 179 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị. Trong đó, có 97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, cung cấp khoảng 71.150 căn hộ, tương đương 3,7 triệu m2 với mức đầu tư 25.900 tỷ đồng.
Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án gồm 70 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, 121 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp với tổng số 163.800 căn và mức đầu tư khoảng 71.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, kết quả trên mới chỉ giải quyết được 28%.
Ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách xã hội và thi đua, khen thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nhiều năm nay, hàng vạn công nhân lao động làm việc tại các KCN, KCX vẫn đang phải sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, mất an toàn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.
Hiện tại, trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội có tất cả 9 KCN nhưng chỉ duy nhất KCN Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) xây dựng hệ thống nhà ở xã hội cho công nhân còn lại công nhân vẫn ở trong những khu nhà trọ cũ kĩ, tồi tàn, hệ thống nước sạch chưa được đảm bảo.
Cũng theo ông Điều, do các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, như chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch khu đô thị, KCN… Song quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư chưa đa dạng do thiếu các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho người thu nhập thấp mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng các dự án.
Bên cạnh đó, phần lớn nhà ở cho người lao động tại các KCN, KCX chưa đạt tiêu chuẩn. Nhìn nhận ở góc độ này, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ ra những thiếu thốn trong dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, chưa đảm bảo an sinh xã hội và môi trường, ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sống của công nhân.
Với khoảng hơn 2 triệu người đang làm việc tại các KCN, KCX trên địa bàn thành phố đang gây ra nhiều bức xúc, áp lực với chính quyền sở tại.
Không dừng lại ở sức ép trong xây dựng nhà ở xã hội, việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, các công trình phúc lợi khác cũng cần có chiến lược cụ thể, dài hơi.
Tập trung cải thiện môi trường sống cho công nhân
Theo nghiên cứu về môi trường sống của công nhân tại 100 KCN ở Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp trong khi khả năng hỗ trợ của địa phương không đồng đều hay quy mô nhà ở vượt quá khả năng chi trả của công nhân.
Sự trì trệ trong việc cải thiện môi trường sống cho người lao động tại các KCN khiến người lao động thường xuyên bỏ việc, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia khác.
Ông Trịnh Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các KCN giai đoạn 2016-2020 cũng nêu rõ có khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Tuy nhiên, hiện nay tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có nhà ở ổn định, số còn lại là đi thuê ở tạm.
Để đạt được mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các KCN, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, đặc biệt là kế hoạch trung hạn về nguồn vốn từ ngân sách để bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng. Đồng thời, quy hoạch phát triển KCN phải gắn kết với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, vấn đề mấu chốt vẫn là tiền lương.
Khi quỹ đất có rồi, vốn có rồi, thì vấn đề thu nhập của người lao động như thế nào để có thể thuê hoặc có đủ khả năng thì mua. Tất nhiên chúng ta phải đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, mà nguồn vốn vay phải dài hạn, lãi suất hợp lý.
Các địa phương phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong từng thời kỳ và tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nguồn cung.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX” và được đánh giá là “bước ngoặt lịch sử” mang tính đột phá của tổ chức công đoàn trong chiến lược đổi mới phương thức tập hợp, phát triển đoàn viên trong tình hình mới. |