Nạn tắc đường ở Hà Nội ngày một trở nên nhức nhối, gây phiền hà cho người dân, kéo chậm sự phát triển. Trong khi đó, Hà Nội đã đầu tư nhiều cho hệ thống giao thông công cộng, trong đó có xe buýt, metro… Vậy làm cách nào để thu hút người dân rời phương tiện cá nhân tham gia các phương tiện giao thông công cộng?
Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành; trong đó, 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Riêng từ năm 2021 - 2024, Hà Nội có thêm 2 tuyến tàu điện, metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội kết nối với xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Song, các loại hình phương tiện công cộng ghi nhận số lượng lớn người sử dụng, tới 70% là người cao tuổi.
Trăn trở của cơ quan chức năng Hà Nội hiện nay là làm thế nào có thể khuyến khích người dân bỏ phương tiện cá nhân để tham gia vận tải hành khách công cộng. Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội, để xe buýt, metro hút khách hơn, giai đoạn tới xe buýt tập trung cạnh tranh với phương tiên cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ.
Với metro, ông Trường cho rằng nên phấn đấu trở thành phương tiện yêu thích của người dân, không chỉ vì tính tiện lợi, an toàn, thời gian mà quan trọng là phương tiện xanh, góp phần bảo vệ thủ đô xanh sạch đẹp, tiến tới phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Từ đó, triển khai giải pháp luồng tuyến, phương tiện, quản lý điều hành, giám sát, cơ chế chính sách, tuyên truyền…
Góp ý thêm với xe buýt, ông Trường chỉ ra phương tiện này có 2 ưu điểm là tính linh hoạt luồng tuyến, đa dạng hóa hình thức phục vụ rất cần phát huy. Có nơi, họ dùng xe buýt linh hoạt. Vào giờ cao điểm, họ dùng xe buýt lớn còn giờ bình thường họ sẽ dùng xe buýt nhỏ, thông qua ứng dụng, để đón khách. Tới đây, có đề án kết nối 2 tuyến metro với nhau, trước mắt sẽ kết nối bằng xe buýt đi theo 2 cánh cung. “Đối với phương tiện vận tải công cộng, không có phương tiện nào ra đời triệt tiêu phương tiện khác. Các phương tiện vận tải công cộng là một gia đình nếu phối hợp với nhau thì sẽ giúp cả hệ thống cùng khỏe” - ông Trường nhấn mạnh.
Có nhiều nguyên nhân khiến xe buýt chưa được nhiều người dân lựa chọn. Bởi sự kết nối chưa thật sự thuận tiện. Hạ tầng dành cho người tham gia sử dụng phương tiện xe buýt chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, là thái độ của nhân viên xe buýt chưa thân thiện. Ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội) thừa nhận, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được đánh giá trên nhiều yếu tố, trong đó thái độ phục vụ của nhân viên bán vé là một trong những yếu tố có tác động trực tiếp đến lựa chọn hành khách.
Trong khi đó, từ trải nghiệm cá nhân, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên trên xe ảnh hưởng khá lớn đến người sử dụng phương tiện công cộng.
Để thu hút hành khách đối với vận tải hành khách công cộng, ông Bình cho biết, đối với đường sắt đô thị do có đặc trưng riêng, có lợi thế lớn vì không phải cạnh tranh đường đi với các phương tiện khác. Nhưng với xe buýt thì có nhiều hạn chế hơn. Theo ông Bình, dù đưa ra mục tiêu đến năm 2030 - 2035 hoàn thành thêm 6 tuyến đường sắt đô thị nữa, tuy nhiên đây là mục tiêu rất khó để làm được. Do đó, phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ đạo trong thời gian tới vẫn là xe buýt. Ngoài ra, cần ưu tiên mặt đường cho xe buýt, cần có giải pháp đảm bảo lối đi bộ an toàn cho người dân di chuyển đến trạm xe buýt và nhà ga đường sắt. Đặc biệt, về vấn đề kết nối, hiện nay người dân có thể đi xe đạp, xe máy đến nhà ga, trạm xe buýt hoặc sử dụng xe buýt kết nối đến đường sắt đô thị, xe buýt đến tuyến BRT.
“Về phía các đơn vị quản lý, đã làm rất nhiều giải pháp để kết nối xe buýt với tuyến đường sắt, BRT, tuy nhiên, thời gian tới cần có giải pháp để kết nối tốt hơn, sao cho tuyến đường sắt 2A kết nối thuận lợi hơn đến tuyến đường sắt số 3” - vị chuyên gia này đề xuất.
Thông tin thêm về tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội hiện chỉ vận hành đến Cầu Giấy, giai đoạn tiếp theo mới có thể vận hành toàn tuyến, theo ông Phạm Đình Tiến, để điều chỉnh mạng lưới kết nối ngang giữa các ga với nhau, các đơn vị liên quan đã triển khai 13 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp cho tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội. Cùng với đó, để phát huy hiệu quả tối đa công suất tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, các đơn vị đã điều chỉnh tuyến buýt 20A (xuất phát từ Cầu Giấy) thay vì điểm cuối là Nhổn như trước sẽ chuyển điểm cuối xuống Sơn Tây, các tuyến buýt phía Nam cũng thay đổi điểm cuối sang Sóc Sơn, Đông Anh, qua đó, mở rộng vùng phục vụ hành khách cho tuyến metro.
"Chính quyền thành phố nên có những phong trào để cán bộ công chức đi làm, trước mắt mỗi tuần mỗi người sẽ có ngày dùng buýt, điều đó sẽ tăng cường tỷ lệ dùng buýt và lâu dần có biện pháp giúp những người tiên phong dùng phương tiện công cộng…" - chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đề xuất.
Ông Nghiêm Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội:
Cần tập trung vào 4 yếu tố
Theo tôi, để vận tải hành khách công cộng (xe buýt, tàu điện) thu hút khách cần tập trung vào 4 yếu tố.
Thứ nhất, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, thời gian tốc độ lữ hành của vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội đang ngày càng giảm, ước chừng mỗi năm giảm được 1km/h, tuy nhiên, tới đây, cần tiếp tục giảm mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu người dân, tăng sự cạnh tranh với các phương tiện cá nhân.
Thứ hai, nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên phục vụ trên xe đối với hành khách. Hiện nay, nhiều tuyến xe buýt, nhân viên có thái độ phục vụ rất tốt như Bảo Yến, Vinbus, và đặc biệt Metro Hà Nội, được người dân đánh giá cao. Cần phải phát huy hơn và làm tốt hơn nữa.
Thứ ba, nâng cao chất lượng phương tiện, hiện nay các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư, đổi mới phương tiện theo hướng hiện đại, tiện nghi. Tôi cho rằng, với chủ trương của Nhà nước tới đây sẽ thay thế phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện xanh, chất lượng sẽ ngày càng nâng cao.
Thứ tư, chú trọng mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ khách của vận tải hành khách công cộng, đi đôi với chất lượng.