Các nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc áp dụng chung về giảm phí trước bạ cho ô tô không phân biệt xe nhập khẩu nguyên chiếc hay sản xuất trong nước.
Kiến nghị hỗ trợ phí trước bạ cho cả xe nhập khẩu
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5586/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc Công ty CP Thành Công Motor Việt Nam kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của Công ty Thành Công Motor Việt Nam, đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước ở bối cảnh dịch Covid-19, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021.
Liên quan đến vấn đề này, ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Công ty TNHH ô tô Á Châu, nhà nhập khẩu Audi tại Việt Nam cũngvừa có thư gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để góp ý vào Nghị quyết đang soạn thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Theo nhận xét của đơn vị nhập khẩu này, việc giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước nửa sau của năm 2020 đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng đang cho thấy sự phân biệt đối xử giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu.
Đơn vị này dẫn số liệu năm 2020, tổng doanh số ô tô du lịch tại Việt Nam tăng khoảng 3% so với năm 2019, trong đó 6 tháng cuối năm Chính phủ ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP hỗ trợ cho các dòng ô tô CKD được giảm một nửa mức phí đăng ký, tương đương 5-6% giá bán. Chính sách này giúp lượng ô tô lắp ráp trong nước tăng 19%, tuy nhiên doanh số xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc lại giảm 33%. Và đối với xe thương mại, tổng số lượng đã sụt giảm 19%, số lượng CKD lắp ráp trong nước cũng giảm ở mức ít hơn 16% trong khi đó, số lượng CBU nhập khẩu nguyên chiếc giảm 25%.
Năm 2021, quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt tại Việt Nam đang buộc tất cả các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô CBU phải tạm ngừng kinh doanh. Sự phân biệt đối xử ưu tiên chỉ riêng với CKD là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối CBU.
Đây cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.
Từ đó, Công ty TNHH ô tô Á Châu mong muốn quy định hỗ trợ lệ phí trước bạ nên được áp dụng chung cho cả xe CKD và CBU trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn chung cho toàn ngành ô tô và đây cũng sẽ là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng.
Tăng thu ngân sách nhờ giảm phí trước bạ
Thực tế cho thấy, các chính sách này đã phát huy tác dụng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vừa kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, vào năm 2020, sau khi áp dụng quy định về giảm lệ phí trước bạ 50% cho các xe sản xuất và lắp ráp trong nước, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố “Sách trắng 2020” ngày 30/6/2020, kiến nghị về việc giảm lệ phí trước bạ cho 19 thương hiệu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang được phân phối tại Việt Nam.
Khi đó, ý kiến này đã gặp nhiều phản bác. Trong đó có ý kiến việc áp dụng giảm 50% phí trước bạ cho xe nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của những chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước. Bên cạnh đó thị trường Việt Nam nhập khẩu xe chủ yếu là từ Indonesia, Thái Lan. Những nước này đã có thuế ưu đãi từ hiệp định thương mại trong khu vực. Do vậy việc giảm phí trước bạ cho xe nhập khẩu không mang lại lợi ích lớn cho xe châu Âu.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cũng cho biết, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.