Xem xét cho phép ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao phá sản

Thúy Hằng 13/02/2017 09:00

Nhìn tổng quát về hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm 2016 và đầu năm 2017, có nhiều ý kiến cho rằng chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá trên nhiều mặt về quy mô vốn huy động, tài sản, dư nợ tín dụng cho nền kinh tế tăng; mức độ an toàn, ổn định của hệ thống TCTD được duy trì bền vững; đặc biệt là năng lực tài chính của TCTD tiếp tục được cải thiện so với các năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 3%.

Thành công có, nhưng bên cạnh đó các điểm nghẽn vẫn chưa được thật sự được gỡ nút thắt. Nợ xấu của toàn hệ thống được kiểm soát nhưng đâu đó vẫn còn nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ khá cao.

Giữa những ngân hàng báo lãi nghìn tỷ thì một vài ngân hàng đang đối diện khó khăn. Mà gần đây nhất tại báo cáo tài chính hợp nhất Quý IV/2016 của Sacombank, ngân hàng này có khoản lỗ sau thuế gần 86,6 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với khoản lỗ 521 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015.

Theo thống kê sơ bộ, còn khoảng 200 ngàn tỷ nợ xấu tại VAMC chưa giải quyết. Việc giải quyết nợ xấu nhất định phải có sự tham gia của khối tư nhân song các văn bản pháp luật cũng chưa thông thoáng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu họ không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác.

Được biết hiện nay, NHNN đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị.

Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, trong năm 2017 NHNN sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong năm 2017 sẽ được NHNN triển khai một cách đồng bộ với nhiều giải pháp.

Việc cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị của TCTD tiếp tục được đẩy mạnh theo các hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng TCTD nhưng phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Đối với công tác xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh thông qua yêu cầu các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng.

Trong năm 2017, vai trò của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững NHNN cũng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD…

Về phía các ngân hàng thương mại, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cũng đưa ra quan điểm, dọn sạch nợ tại VAMC sẽ khiến ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất, nhất là khi số nợ xấu này được ngân hàng thu hồi thành công.

Trước đó quan điểm điều hành lãi suất năm 2017 được đánh giá sẽ cực kỳ khó khăn khi mà áp lực tăng lãi suất nặng hơn dư địa giảm lãi suất. Chỉ khi thật sự có giải pháp mới trong xử lý nợ xấu, khi nợ xấu được xử lý dứt điểm và thực chất hơn, các ngân hàng sẽ có điều kiện để ổn định và giảm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hồng Hải đưa ra quan điểm, chúng ta cũng nên xem xét việc cho phép các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản. Biện pháp này sẽ giúp loại bỏ các thành viên yếu kém trên thị trường mà NHNN không cần tốn nhiều nguồn lực để giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xem xét cho phép ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao phá sản