Rất đông độc giả đã đến dự và xếp hàng dài xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong sự kiện kỷ niệm 25 năm ra mắt tập đầu tiên trong bộ truyện dài “Kính vạn hoa”. Thậm chí có độc giả đã đến từ 6h sáng để chờ thần tượng của mình.
Sự kiện do NXB Kim Đồng tổ chức sáng 5/12 tại Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - tác giả bộ sách "Kính vạn hoa”, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, người minh họa bộ sách và “chỉ minh họa sách của Nguyễn Nhật Ánh” từ TP HCM ra tham dự, mang tới nhiều câu chuyện hậu trường khiến độc giả bất ngờ, thích thú.
Tại buổi giao lưu, ông Bùi Tuấn Nghĩa, Giám đốc NXB Kim Đồng cho biết: “Kính vạn hoa” là dự án đầu tư sáng tác lớn, dài hơi của NXB Kim Đồng với hơn 7.000 trang sách, sáng tác hơn 7 năm. Bộ sách đã tạo nên nhiều dấu ấn đặc biệt, thậm chí lập kỷ lục chưa có bản sách nào đạt hơn 1 triệu bản ngay trong lần đầu tiên. Trong 25 năm qua, bộ sách đã tái bản 7 lần với hình thức khác nhau. “Kính vạn hoa” cũng đã được dựng phim và sắp tới sẽ dựng phim nhựa…”.
25 năm trước, với mong muốn “người Việt viết sách dài kỳ cho độc giả Việt”, ông Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc NXB Kim Đồng khi đó đã tìm kiếm và đặt hàng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết một bộ sách cho trẻ em Việt Nam.
Mong muốn của ông Nguyễn Thắng Vu lúc đó là nội dung hấp dẫn để sách ra hàng tuần. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là cái tên được “chọn mặt gửi vàng”. Ông viết gối đầu 5 tập đầu tiên rồi sau đó, cứ mỗi tuần viết 1 tập gửi ra Hà Nội.
Song song với đó, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường cũng được mời vẽ bìa và minh họa cho bộ sách ngay từ tập đầu tiên.
Khi bộ sách dừng lại ở tập 45, độc giả bày tỏ sự tiếc nuối. Để đáp lại tình yêu của độc giả, NXB Kim Đồng quyết định in thêm tập “Còn chút gì để nhớ”, tập hợp ý kiến, nhận xét, thơ, tranh vẽ của độc giả để làm dịu cơn khát “Kính vạn hoa”.
Tuy nhiên, 5 năm sau, trước sự nồng nhiệt của bạn đọc đối với bộ sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục viết tiếp 9 tập nữa, trong suốt 3 năm. Tới năm 2009, bộ sách “Kính vạn hoa” kết thúc ở con số 54 tập.
Đã có rất nhiều lý giải khác nhau về sức hút của “Kính vạn hoa”.
Nhà văn Lê Phương Liên - cựu biên tập NXB Kim Đồng, người đã từng vào TP HCM để tiếp xúc, đặt vấn đề với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết bộ sách, nhận xét: “Đọc Nguyễn Nhật Ánh, người ta ngỡ ngàng nhận ra rằng hóa ra các em không chỉ thích truyện phiêu lưu trinh thám, không chỉ thích đấm đá và các trò ma quái, các em còn thích được tâm sự, được giãi bày và cao hơn, khẩn thiết hơn hết là các em thích có bạn, càng nhiều bạn càng tốt để tâm sự, để cho và nhận tình cảm của nhau”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Vân Thanh cho rằng: “Mỗi truyện trong bộ Kính vạn hoa đều hướng tới việc mở rộng sự hiểu biết của các em đối với thế giới chung quanh, giúp các em khám phá được vẻ đẹp của một cuộc sống giản dị, ấm áp tình người”.
Còn nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn đánh giá: “Ngôn ngữ văn học của Nguyễn Nhật Ánh rất sáng sủa, việc sử dụng tiếng địa phương, tiếng lóng rất có liều lượng, góp phần làm nên tính phổ cập của tác phẩm”.