Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư?

Đức Trân 08/04/2023 07:00

Thời gian gần đây, dịch vụ xét nghiệm máu phát hiện ung thư sớm được quảng cáo rầm rộ trên mạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những quảng cáo này đều không chính xác.

Tầm soát phát hiện ung thư cần nhiều xét nghiệm, biện pháp thăm khám.

Không ít người tin theo lời quảng cáo tìm đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu. Nhiều người được chẩn đoán ung thư, nhưng khi đến bệnh viện kiểm tra thì chỉ là viêm nhiễm hoặc không có gì bất thường.

Chia sẻ về việc thực hiện biện pháp xét nghiệm máu phát hiện ung thư cách đây gần 1 tháng, anh Nguyễn Văn Dương (42 tuổi, Hải Dương) cho biết: “Qua nhiều nguồn thông tin tôi cũng nắm được là độ tuổi của mình cũng nên tầm soát, khám sức khỏe để phát hiện ung thư sớm, nhưng do bận công việc, thêm nữa các bệnh viện đều rất đông nên cứ chần chừ. Gần đây, trên mạng có nhiều quảng cáo về biện pháp này, tôi cũng thấy thực tế một vài phòng khám cũng có treo biển về dịch vụ xét nghiệm phát hiện ung thư nên tôi đã đặt dịch vụ tới nhà lấy máu để xét nghiệm”.

Suy nghĩ như trường hợp trên không hề hiếm trong bộ phận người dân hiện nay. Và đương nhiên, có cầu ắt có cung, các dịch vụ xét nghiệm máu phát hiện ung thư ngày càng “nở rộ” bằng những quảng cáo có cánh. Thế nhưng, thực tế không ít trường hợp đã phải khổ sở vì nhận được kết quả ung thư bằng phương pháp xét nghiệm máu nói trên, để rồi, khi tới bệnh viện thăm khám thì được các bác sĩ kết luận chỉ là viêm nhiễm, thậm chí hoàn toàn bình thường.

Nhận được kết quả nghi ngờ mắc ung thư đại trực tràng sau khi xét nghiệm máu, bà T.H. (55 tuổi) gần như rơi vào suy sụp. Tuy nhiên, sau khi tiến hành các kiểm tra tại bệnh viện, các bác sĩ đánh giá bà H. không có dấu hiệu và biểu hiện của bệnh ung thư.

Hoặc ngược lại, một bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu kể lại: “Gần đây, chúng tôi tiếp nhận và đang điều trị một nữ bệnh nhân nhập viện vì ung thư vú giai đoạn 3. Bệnh nhân kể lại, thời gian trước, bệnh nhân phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường nên đã tới một phòng khám để kiểm tra, tại đây, bệnh nhân thực hiện phương pháp xét nghiệm máu để tầm soát ung thư và nhận được kết quả hoàn toàn bình thường. Chỉ đến khi sức khỏe bị ảnh hưởng, bệnh nhân mới tới bệnh viện để thăm khám thì đã muộn”.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K khẳng định: “Ung thư là bệnh đa hình thái, có trên 200 loại ung thư khác nhau và ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau, cho nên nếu chỉ một xét nghiệm máu để phát hiện tất cả các loại ung thư khác nhau là không có”.

Theo ông Đức, có một số ung thư xuất tiết một số rất ít vào trong máu, nên khi xét nghiệm máu chỉ số này cao hơn một chút, lúc này chúng ta mới chỉ nghi ngờ thôi chứ chưa khẳng định, sau đó cần phải xét nghiệm chuyên sâu hơn để khẳng định. Ví dụ, nhiều bệnh nhân ung thư gan sẽ có chỉ số AFP của ung thư gan cao, thế nhưng, sau khi xét nghiệm máu nếu chỉ số này trên 400ng/ml, bác sĩ cần kết hợp siêu âm gan, chụp gan, sinh thiết rồi mới khẳng định. Hay với ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm máu PSA trên 10 (bình thường chỉ 4-5) có thể nghi ngờ. Thế nhưng, nếu nói chỉ xét nghiệm máu để phát hiện ung thư thì không đúng, mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau. Khi xét nghiệm máu, có thể phát hiện ra một số chất chỉ điểm như AFP, PSA, CEA... để phát hiện ung thư, tuy nhiên những chất này không đặc hiệu. Người thầy thuốc chỉ định xét nghiệm máu trong một số trường hợp đặc biệt.

Được biết, chất chỉ điểm ung thư là những chất do tế bào ung thư hoặc các tế bào khác của cơ thể sản xuất đáp ứng với ung thư hoặc một số bệnh lành tính. Có thể phát hiện chất chỉ điểm ung thư trong máu, nước tiểu, phân, tổ chức u hay các tổ chức khác, hoặc trong dịch cơ thể của một số bệnh nhân ung thư. Hiện đã có tới hơn 50 loại chất chỉ thị ung thư có thể đo bằng xét nghiệm máu. Tuy nhiên, vai trò của chúng còn hạn chế và đã bị bác bỏ trong tầm soát ung thư.

Các chuyên gia khuyến cáo, để tầm soát bệnh ung thư, bác sĩ cần thăm khám, đánh giá tiền sử gia đình, tiền sử bệnh tật của bản thân, các triệu chứng hiện tại có thể có để từ đó đưa ra các chỉ định chụp chiếu, đánh giá mới có thể phát hiện sớm bệnh.

PGS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh: Các quảng cáo, thông tin về việc xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư là không chính xác. Thông thường, những dịch vụ này quảng cáo là xét nghiệm máu để phát hiện chất chỉ điểm ung thư, hoặc dấu ấn ung thư. Thế nhưng, thực tế là trong y khoa, vai trò của chất chỉ điểm khối u là theo dõi và đánh giá, theo dõi kết quả điều trị, không phải để sàng lọc. Hơn nữa, một số chất chỉ điểm không chỉ tăng khi bị ung thư, mà viêm nhiễm thông thường, mắc các bệnh phổ biến cũng có thể tăng lên. Vì vậy, xét nghiệm chất chỉ điểm để sàng lọc ung thư không có ý nghĩa quá lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO