Xét tuyển bổ sung: Không dễ 'vét' thí sinh

Lâm An 17/10/2022 07:00

Đến thời điểm này vẫn nhiều trường đại học (ĐH) thông báo tuyển bổ sung với hàng trăm chỉ tiêu. Tuy nhiên, với những ngành “trắng” thí sinh trúng tuyển đợt 1, nhiều câu hỏi đặt ra về việc có nên tiếp tục duy trì tuyển sinh những ngành này.

Thí sinh đến nhập học tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh: TTXVN.

Còn nhiều cơ hội khối Y Dược

Đây là năm đầu tiên có nhiều trường ĐH đào tạo nhóm ngành sức khỏe tuyển bổ sung với số lượng lớn, từ vài chục đến hàng trăm chỉ tiêu. Đáng chú ý, chưa cần tính đến tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học thì nhiều ngành của các trường đã vắng bóng thí sinh từ khi lọc ảo.

Thông tin từ Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, ngành Điều dưỡng có số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường là 618. Kết quả lọc ảo trả về số thí sinh trúng tuyển chỉ từ 140-160/200 chỉ tiêu. Ngành Y học dự phòng có 249 thí sinh đăng ký xét tuyển, qua các vòng lọc ảo chỉ trả về từ 32-47/60 chỉ tiêu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.

ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên, ngành Y học dự phòng mới tuyển được 52 sinh viên trên tổng chỉ tiêu 65, ngành Điều dưỡng tuyển được 264 trong khi chỉ tiêu là 350. ĐH Y Dược - ĐH Huế xét tuyển bổ sung các ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật hình ảnh y học đều 19 chỉ tiêu và ngành Y tế công cộng 16 chỉ tiêu… Mặc dù các trường đưa ra mức điểm trúng tuyển khá thấp so với năm 2021, chỉ bằng mức điểm sàn Bộ GDĐT công bố song một số ngành vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu, ngay cả với những trường ĐH “top” trên lâu nay không tuyển bổ sung.

Lý giải điều này, đại diện các trường đều cho rằng, điểm môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT khá thấp nên điểm trúng tuyển giảm là đương nhiên. Tuy nhiên, việc một số ngành trong nhóm đào tạo sức khỏe giảm độ “hot” xuất phát từ thực tế công việc sau khi tốt nghiệp khá vất vả, mức đãi ngộ thấp nên nhiều học sinh và gia đình đã cân nhắc kỹ, nhất là sau 2 năm dịch Covid-19, mọi người đều hình dung được công việc này ra sao.

Một nguyên nhân khiến nhiều học sinh cũng chuyển hướng là do học phí của các trường ĐH khối Y Dược năm nay tăng cao nhưng lương chưa tăng. Với thời gian đào tạo lâu hơn hẳn những ngành nghề khác, chi phí bỏ ra cao, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng mới tốt nghiệp và có được chứng chỉ hành nghề nhưng mức lương khởi điểm cũng chỉ 4, 5 triệu đồng thì khó để hút người tài.

Nhìn nhận thực trạng này, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, việc lựa chọn đăng ký xét tuyển vào ngành nào là quyền của thí sinh. Tuy nhiên, đối với nhóm ngành đào tạo sức khỏe là đặc thù, liên quan đến mọi người, mọi nhà, cần có những giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này. Khi người học không mặn mà, thị trường lao động có nguy cơ thiếu hụt nhân lực trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe cần bổ sung nhân lực kế cận liên tục, nhất là qua 2 năm dịch Covid-19 có thể thấy tầm quan trọng không thể thiếu của nhóm ngành này.

Cân nhắc với những ngành “trắng” thí sinh

Trong tình trạng chung là khối trường sư phạm tuyển sinh khởi sắc năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thông báo tuyển bổ sung ở nhiều ngành như Giáo dục Thể chất, Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Việt Nam học. Trong đó, ngành Việt Nam học tuyển đến 337 chỉ tiêu. 2 phương thức trường áp dụng là kết hợp thi tuyển với kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 và kết hợp thi tuyển với kết quả học tập cấp THPT (học bạ).

Trường ĐH Tân Trào tuyển bổ sung 315/350 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non. Một số ngành khác cũng có thí sinh trúng tuyển đếm trên đầu ngón tay như Chính trị học, Lâm sinh, Sư phạm Sinh học, Chăn nuôi, Quản lý văn hóa, Khoa học cây trồng, Công tác xã hội, Quản lý đất đai. Và các ngành Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế đầu tư, Tâm lý học không có thí sinh nào trúng tuyển đợt 1.

Tính đến thời điểm đầu tháng 10/2022, số lượng thí sinh xác nhận nhập học đạt 464.000, tương đương trên 82% trên tổng số thí sinh trúng tuyển. Đặc biệt, có tới 75% số cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học vượt 80%, trong khi chỉ có 6% số cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học dưới 50%. Với những cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sau xét tuyển đợt 1 được tiếp tục tuyển sinh các đợt bổ sung căn cứ theo số lượng chỉ tiêu còn lại (sau khi đã trừ số lượng chỉ tiêu theo nội dung tại quyết định xử lý vi phạm hành chính - nếu có). Tuy nhiên, cũng có những ngành được dự đoán dù tuyển bổ sung cũng khó đủ chỉ tiêu nên nhà trường quyết định dừng mở ngành năm nay như ngành Khoa học vật liệu của ĐH Quy Nhơn có 2 thí sinh trúng tuyển, nhà trường đã vận động thí sinh chuyển sang ngành khác.

Thực trạng “trắng” thí sinh ở một số ngành đặt ra cho các trường bài toán đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Trừ những ngành đặc thù, đào tạo theo đơn đặt hàng của địa phương, Nhà nước còn có những ngành, các trường cần cân nhắc bài toán mở ngành mới, loại bỏ những ngành truyền thống khi thị trường không có nhu cầu nhiều, nhất là khi thực trạng khó tuyển sinh ở các ngành này đã diễn ra khá lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển bổ sung: Không dễ 'vét' thí sinh