Xét xử lưu động thể hiện tính công khai, minh bạch, dân chủ của hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng. Đồng thời thông qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, đưa công lý tiếp cận gần dân hơn. Tuy nhiên…
Đó là những đánh giá của các đại biểu tại Hội thảo các tiêu chí đưa vụ việc ra xét xử lưu động nhằm nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 7/12.
Theo thống kê trong năm 2015, các Tòa án đã tổ chức 9.000 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án, qua đó góp phần nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân.
Hầu hết các vụ án được đưa ra xét xử lưu động là các vụ án về các tội ma tuý, mại dâm, giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, buôn lậu …
Có thể nói qua các phiên tòa xét xử lưu động, Tòa án đã tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như quần chúng nhân dân tiếp cận pháp luật; trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật, qua đó giáo dục con em của mình tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống hằng ngày.
Đánh giá về hoạt động xét xử lưu động, đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, thông qua hoạt động xét xử lưu động của Tòa án với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân góp phần giáo dục, nâng cao sự hiểu biết về các quy định của pháp luật.
Làm cho người dân hiểu được hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật và phải chịu hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội đó.
Đặc biệt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên toà do người dân theo dõi diễn biến, dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp; nâng cao ý thức pháp luật đấu tranh phòng chống tội phạm, tố giác tội phạm của nhân dân khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật tại địa phương, từ đó góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những tác động tiêu cực. Theo TS Hoàng Anh Tuyên, bị cáo phạm tội lần đầu, do lỗi vô ý được đưa ra xét xử lưu động trước họ hàng, làng xóm thường có tâm lý hoang mang, lo lắng, xấu hổ, dễ dẫn đến hành xử tiêu cực.
Với dấu ấn tâm lý để lại và dư luận xã hội tác động không tốt tới việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, gây ra những khó khăn, trở ngại nhất định cho người phạm tội trong việc tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Cùng với đó, gia đình, dòng họ của bị cáo phải chịu tác động, ảnh hưởng từ sự lên án, xa lánh của cộng đồng, xã hội.
Đồng thời, gợi nhớ lại nỗi đau, sự mặc cảm, tổn thương tinh thần của người bị hại và gia đình họ, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa bị cáo với người bị hại và gia đình họ.
Ý kiến nhiều đại biểu cũng cho rằng, mục đích của xét xử lưu động đôi khi Tòa án chỉ mới quan tâm đến việc răn đe, giáo dục pháp luật chung mà chưa quan tâm đến danh dự, uy tín của bị cáo và thân nhân gia đình họ, chưa quan tâm đến việc giáo dục họ sống tốt hơn sau khi chấp hành hình phạt trở lại với cộng đồng.
Việc đưa xét xử lưu động trước nhiều người quen biết tại địa phương nơi cư trú, bị tuyên truyền bởi các phương tiện truyền thông đã tạo thêm áp lực, sự mặc cảm từ bản thân bị cáo, thân nhân, gia đình bị cáo.
Đặc biệt, một số vụ án liên quan tâm lý và nhân phẩm của người bị hại như án hiếp dâm, cha đẻ hiếp dâm con ruột… tình tiết vụ án sẽ được công khai, điều này ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bị hại, nhất là đối với bị hại là trẻ em.
Việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người dân, nếu xét từ khía cạnh quyền con người và suy đoán vô tội có thể sẽ không được đảm bảo do bởi nguyên tắc Hiến định là một người được xem là chưa có tội cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án. Do đó, phần nào quyền công dân của bị cáo chưa được tôn trọng về danh dự và nhân phẩm cũng bị ảnh hưởng.
Từ thực trạng trên, các đại biểu đều cho rằng, xét xử lưu động có thể xâm phạm quyền nhân thân, quyền hình ảnh của bị cáo và không đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội: không ai bị coi, bị đối xử là có tội cho tới khi có bản án kết tội của toà án có hiệu lực pháp luật.
Đặc biệt, xét xử lưu động ảnh hưởng đến khả năng tái hoà nhập với cộng đồng của bị cáo sau khi mãn hạn tù. Vì vậy, việc lựa chọn các vụ án đưa ra xét xử lưu động chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết,
Thực tiễn công tác xét xử cho thấy, từ 1/10/2015 đến 31/7/2016 Tòa án các cấp đã tổ chức 7.283 phiên tòa xét xử lưu động trên tổng số 61.428 vụ án được đưa ra xét xử, chiếm tỷ lệ 11.8%.
So với cùng kỳ năm trước (năm 2015) thì số vụ án được đưa ra xét xử lưu động tăng 933 vụ. Điều đó cho thấy việc tổ chức phiên tòa lưu động vẫn có những giá trị, hiệu quả tác động đối với xã hội.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, phát huy những ưu điểm, giảm thiểu những hạn chế khi đưa vụ án ra xét xử lưu động thì Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn thống nhất về căn cứ, tiêu chí để lựa chọn, xác định vụ án đưa ra xét xử lưu động.