Tại phiên tòa xét xử bị cáo Dương Quang Hợp- nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên liên tục trả lời quanh co, chối tội. Đại diện Viện KS giữ quyền công tố tại tòa khẳng định bị cáo Hợp là người được đào tạo pháp luật cơ bản, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành kiểm sát, nhận thức rõ hành vi “Ra quyết định trái luật” sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bị cáo Dương Quang Hợp tại tòa.
Theo đó, trong phần luận tội, đại diện VKS xác định, hậu quả của việc ra các quyết định trái pháp luật của bị cáo Dương Quang Hợp đã ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của vợ chồng Dương - Anh đối với các bị hại trong vụ án. Những tài sản mà Cơ quan CSĐT đang kê biên trong quá trình điều tra không được thực hiện. Do ngay sau khi nhận tài sản bởi quyết định hủy bỏ lệnh kê biên và trả lại vật chứng của bị cáo Hợp, 7 trường hợp được nhận tài sản đã chuyển nhượng và sử dụng hết đối với tài sản là tiền. Nhiều tài sản được chuyển nhượng qua nhiều người đến nay không thu hồi được. Hành vi đó của bị cáo Dương Quang hợp đã phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật” với những căn cứ rõ ràng.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản là cần thiết theo đúng quy định.
Theo đại diện VKS, về số tài sản được được hủy bỏ các quyết định kê biên tài sản và trả lại vật chứng mà bị cáo Hợp đã ban hành, vừa là vật chứng của vụ án vừa là tài sản kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của Dương - Anh cho 27 người bị hại của vụ án mà Dương- Anh đã thực hiện hành vi phạm tội.
Do vậy đủ căn cứ để xác định trước khi ký các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên, quyết định trả lại vật chứng của vụ án, bị cáo biết đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các tài sản kê biên tạm giữ của Dương –Anh là số tài sản còn lại duy nhất cần chia cho các bị hại theo kỷ phần nhưng bị can Hợp vẫn chỉ đạo kiểm sát viên làm thủ tục sau đó ký 3 quyết định hủy bỏ 3 lệnh kê biên tài sản cửa cơ quan cảnh sát điều tra và ký 7 quyết định trả lại vật chứng của vụ án định được giá có giá trị là 11 tỷ 600 triệu đồng cho số ít người bị hại trong vụ án.
“Bị cáo là người có trình độ, được đào tạo kiến thức pháp luật cơ bản, có nhiều năm công tác trong ngành kiểm sát, giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau. Đồng thời, với vụ án Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan CSĐT đã khởi tố từ năm 2008, cho nên bị cáo là người biết rõ việc hủy bỏ kê biên, trả lại vật chứng của vụ án cho 5 người bị hại và 2 người không phải là bị hại là trái pháp luật, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người khác đang bị xâm hại, số tài sản lớn cần được xem xét theo quy định của pháp luật. Nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo kiểm sát viên đề xuất xử lý tài sản tạm giữ kê biên, dẫn đến khối tài sản duy nhất của Dương - Anh không được xem xét, giải quyết cho các bị hại khác là đặc biệt nghiêm trọng, thuộc định lượng theo khoản 3, Điều 296 Bộ Luật hình sự. Do vậy, kiểm sát viên khẳng định Cáo trạng số 33 của Viện KSND Tối cao đã truy tố bị cáo về tội Ra quyết định trái pháp luật là có căn cứ, đúng người, đúng tội”, đại diện VKS khẳng định.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, mặc dù bị cáo Dương Quang Hợp luôn trả lời quanh co, chối tội, nhưng đại diện VKS không coi đây là tình tiết tăng nặng. Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Hợp có hai tình tiết giảm nhẹ đó là người có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, học tập, công tác và là con của người có công với cách mạng, có bố được tặng thưởng huân chương kháng chiến.
Do vậy, đại diện Viện KS giữ quyền công tố tại tòa chỉ đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Dương Quang Hợp mức án nhẹ đó là từ 5 năm đến 6 năm tù về tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Dự kiến, hôm nay, ngày 28/5, TAND tỉnh Thái Nguyên sẽ chính thức tuyên án và kết thúc phiên tòa xét xử.