Ngày 22/8, phiên tòa xét xử vụ đại án kinh tế gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục diễn ra các phần tranh tụng gay gắt giữa đại diện luật sư bào chữa với quan điểm truy tố của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND), trong đó những tranh luận nổi bật liên quan đến công – tội của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT của VNCB) và Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc của VNCB).
Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: Hồng Phúc).
Tại tòa, Luật sư Nguyễn Quang Anh nhận bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc của VNCB) cho rằng, bản thân ông Mai chủ yếu chỉ làm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoàn toàn không đủ 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính nhưng lại được bị cáo Phạm Công Danh cất nhắc bổ nhiệm vào vị trí quan trọng tại VNCB.
Đây là việc bổ nhiệm sai và không đúng quy trình. Trong khi đó cáo trạng lại truy tố bị cáo Mai và các đồng phạm (nguyên là các cán bộ, nhân viên tại VNCB) tham gia thực hiện các giao dịch trị giá 5.190 tỉ đồng của “nhóm Trần Ngọc Bích” mà không báo cáo tổ giám sát, vi phạm Quyết định số 12 của NHNN, phạm tội cố ý làm trái,…
Bị cáo Mai bị đại diện Viện KSND đề nghị mức án 11 đến 12 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 11 đến 12 năm tù tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt từ 24 đến 26 năm tù.
Nhưng theo luật sư này thì các cáo buộc của đại diện Viện KSND là không có cơ sở. Thứ nhất, nếu “nhóm Trần Ngọc Bích” không thừa nhận việc đồng thuận chuyển tiền thì liệu có hay không việc cố ý chiếm đoạn tài sản của VNCB.
Thứ hai, kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì từ 2012 đến tháng 7/2014, VNCB chỉ ở trong tình trạng giám sát đặc biệt chứ không phải tình trạng kiểm soát đặc biệt. Và trong tình trạng này, NHNN có quyền cử cán bộ của NHNN đến để giám sát chứ không được thông qua các giao dịch.
Vì vậy, Quyết định 12 của NHNN yêu cầu VNCB phải báo cáo đối với mọi giao dịch từ 5 tỉ đồng trở lên là không đúng và không có cơ sở. Riêng bị cáo Mai không có cơ sở để bị cáo buộc vào hành vi vi phạm quy định báo cáo, xin phép mà Tổ giám sát của NHNN hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ chủ động giám sát, kiểm tra. Với các quan điểm bào chữa nêu trên, luật sư Nguyễn Quang Anh đề nghị HĐXX xem xét quan điểm hành vi của bị cáo không phạm tội và bị cáo Phan Thành Mai chỉ vi phạm một phần trong việc cho vay đối với các Công ty Toàn Tâm và Công ty An Phát.
Đối với bị cáo Phạm Công Danh, khi được HĐXX mời tự bào chữa cho mình, đã tiếp tục nhấn mạnh việc phải tự tay chi trả nhiều khoản phí chăm sóc khách hàng mà không hề tư lợi gì đến tiền của VNCB.
Về khoản tiền cáo buộc lập khống để rút 5.190 tỷ của “nhóm Trần Ngọc Bích”, bị cáo Danh khẳng định có quan hệ trực tiếp với ông Trần Quý Thanh và sau đó là bà Bích. Trong khi bà Bích đã phủ nhận mối quan hệ vay mượn với bị cáo.
Bị cáo Danh nói trước tòa: Tôi tha thiết HĐXX tạo điều kiện cho tôi được khắc phục thiệt hại, rồi từ đó xem xét hậu quả thực chất đến đâu mới xét tội được. Về phần mình, tôi kính mong HĐXX xem xét cho tôi cơ hội khắc phục hậu quả và tôi tin rằng tôi có thể khắc phục được 100%. Tôi cũng mong HĐXX xem xét lại tất cả những người làm việc với tôi họ đều cùng tôi khát khao rất lớn chuyên sâu về VNCB.
Trong phiên xét xử vào buổi chiều cùng ngày, các thuộc cấp của bị cáo Phạm Công Danh và Phan Thành Mai cũng lần lượt được nói lời tự bào chữa cho mình. Trong đó, các bị cáo tiếp tục nhắc lại quan điểm bào chữa của luật sư trước đó về việc, chỉ thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo, trong khi hoàn toàn không biết đã vi phạm pháp luật và vi phạm các quy định của NHNN như cáo trạng truy tố.