Ngày 10/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm” và hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành cùng 2 thuộc cấp từng là lãnh đạo Tổng cục V và Cục B61. Tại phiên xét xử phúc thẩm này, Vũ “nhôm” đã trình HĐXX một số chứng cứ, tài liệu mới có liên quan đến vụ án.
Theo công bố của Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang, phiên tòa phúc thẩm sẽ xem xét đơn kháng cáo của Vũ “nhôm” (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Nova Bắc Nam 79); 2 cựu Thứ trưởng Bộ Công an là cựu Thượng tướng Trần Việt Tân và cựu Trung tướng Bùi Văn Thành; cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V Bộ Công an, cựu Trung tướng Phan Hữu Tuấn; cựu Phó Cục trưởng B61 (Tổng cục V, Bộ Công an), cựu Đại tá Nguyễn Hữu Bách. Cùng với đó, HĐXX cũng sẽ xem xét kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội đối với bản án sơ thẩm do TAND TP Hà Nội tuyên hồi tháng 1 vừa qua.
Có 2 Kiểm sát viên cao cấp của Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa với vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Có 8 luật sư tham gia phiên tòa phúc thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Đại diện Bộ Công an, UBND TPHCM, UBND TP Đà Nẵng và một số tổ chức, cá nhân có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng đã được triệu tập tới tòa. Riêng ông Trần Đình Ba là đại diện Công ty Bắc Nam 79 bị triệu tập với “vai trò kép”, vừa là nhân chứng, vừa là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt không có lý do. Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Vinh Quang khẳng định, trong những ngày tới nếu người này không có mặt theo lệnh triệu tập của tòa thì sẽ áp dụng biện pháp áp giải tới nơi xét xử. Tại phiên tòa phúc thẩm này, Vũ “nhôm” đã cung cấp thêm cho HĐXX chứng cứ, tài liệu với lý do đây là nội dung mới.
Sau khi kết thúc phần thủ tục, kiểm tra căn cước, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Vinh Quang công bố bản án sơ thẩm do TAND TP Hà Nội tuyên đối với các bị cáo. HĐXX cấp sơ thẩm xác định, Vũ “nhôm” đã lợi dụng danh nghĩa các công ty bình phong của Tổng cục V (Bộ Công an) để đề nghị các bộ, ngành, địa phương giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 7 nhà, đất công sản, dự án bất động sản ở các vị trí đắc địa tại Hà Nội và TPHCM không qua đấu giá. Bị cáo còn xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi và xin được hưởng nhiều ưu đãi khác trái với quy định của pháp luật. Sau khi được giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, Vũ “nhôm” chuyển quyền sử dụng đất từ công ty sang cho cá nhân mình; hoặc liên kết kinh doanh, chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác nhằm thu lợi bất chính; có dự án không được triển khai, không có bất cứ hoạt động nghiệp vụ nào phục vụ cho ngành công an gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước. Vũ “nhôm” bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù.
Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công an, cựu Trung tướng Bùi Văn Thành, bản án sơ thẩm xác định, bị cáo này đã ký công văn đề nghị Sở TN-MT, Sở Tài chính TPHCM, trình Hội đồng thẩm định giá nhà đất và UBND thành phố phê duyệt giá bán một số bất động sản gây thiệt hại cho Nhà nước. Việc làm này là không đúng chức năng và thẩm quyền theo quy định. Bị cáo Thành cũng không làm hết trách nhiệm khi nhận được báo cáo của cấp dưới, không chỉ đạo làm rõ lý do giảm giá nhà, đất công sản, không chỉ đạo thông báo để Tổng cục V biết, quản lý, theo dõi cơ sở nhà, đất công sản gây thiệt hại. Do thiếu trách nhiệm nên khi Vũ “nhôm” chuyển nhượng nhà, đất công sản cho tư nhân bên ngoài, bị cáo Thành không phát hiện được để báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn. Với cáo buộc trên, bị cáo Thành bị tuyên phạt 30 tháng tù. Tương tự, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, cựu Thượng tướng Trần Việt Tân cũng bị tòa cấp sơ thẩm xác định thiếu trách nhiệm gây thất thoát tài sản Nhà nước. Theo đó, bị cáo Tân bị tuyên phạt 36 tháng tù.
Sau khi TAND TP Hà Nội tuyên án, cả 5 bị cáo đều có đơn kháng án, có bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, có bị cáo không chấp nhận tội danh bị cáo buộc và hình phạt bị tuyên, Vũ “nhôm” khẳng định không phạm tội như cấp sơ thẩm kết án. Viện KSND TP Hà Nội cũng đã có kháng nghị với nội dung: Xác định lại thiệt hại, thu hồi tài sản và tịch thu tài sản. Cụ thể, cơ quan công tố Hà Nội cho rằng: Thiệt hại của vụ án phải được tính tại thời điểm khởi tố mới phù hợp với thực tế. Vậy nhưng tòa cấp sơ thẩm chỉ tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất là chưa đánh giá đúng bản chất vụ án cũng như hậu quả các bị cáo gây ra cho Nhà nước. Việc xử lý 7 dự án nhà, đất công sản cần phải tuyên theo hướng: Hủy các quyết định giao đất trái pháp luật của UBND TPHCM, UBND TP Đà Nẵng; giao cho các địa phương này thu hồi, quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật...