Ngày 10/3, TAND cấp cao tại TP HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab).
Theo nội dung vụ án, Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 ngày 7/1/2016 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Hậu quả gây thiệt hại cho Vinasun, từ đó Công ty đã khởi kiện Grab yêu cầu bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP HCM cho rằng, Grab kinh doanh taxi, vi phạm Nghị định 86 và Đề án 24. Tòa sơ thẩm nhận định có mối quan hệ biện chứng giữa việc vi phạm pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun và chấp nhận yêu cầu đòi Grab bồi thường 4,8 tỉ đồng đối với thiệt hại về chi phí xe nằm bãi không kinh doanh kể trên. Sau bản án sơ thẩm, Grab và Vinasun cùng kháng cáo. Trong đó, Grab đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án. Còn phía Vinasun đề nghị tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Vinasun và Grab tranh luận gay gắt về giá trị thiệt hại. Cụ thể, đại diện Vinasun cho rằng, nếu Grab không vi phạm pháp luật thì Vinasun không bị thiệt hại số tiền 41,2 tỷ đồng. Khoản thiệt hại này do 1 công ty độc lập xác định bằng kết quả kinh doanh liên tục. Trong khi đó, đại diện Grab cho rằng, việc Grab kinh doanh không có kết quả “nhân - quả” trực tiếp với số tiền thiệt hại của Viansun. Cụ thể, trên thị trường vận tải vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác và bản thân Vinasun ngoài taxi vận tải còn kinh doanh một số lĩnh vực khác. Ngoài ra, phía Grab vẫn khẳng định, đơn vị này chỉ cung cấp phần mềm công nghệ gọi xe taxi chứ không kinh doanh vận tải taxi như cáo buộc của Vinasun.
Phiên toà dự kiến tiếp tục trong ngày hôm nay 11/3.