Bước vào ngày xét xử thứ hai (28-2), sau khi đại diện VKS giữ quyền công tố tại Tòa đọc cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm và 47 đồng phạm trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại OceanBank, HĐXX bắt đầu thẩm vấn từng bị cáo. Khai tại tòa, Hà Văn Thắm kể công rằng mình đã “có công” đầu tư góp vốn để vực dậy một ngân hàng làm ăn yếu kém, thua lỗ có nguy cơ phá sản và bị giải thể...
Các bị cáo vụ đại án tại Oceanbank.
34 bị cáo nguyên là lãnh đạo chi nhánh
Cơ quan công tố khẳng định, trong hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Hà Văn Thắm là người đưa ra chủ trương chi lãi ngoài huy động vốn trên toàn hệ thống Oceanbank. Với sự giúp sức đắc lực của TGĐ, PTGĐ và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch đã khiến OceanBank bị thiệt hại số tiền không nhỏ.
Theo đại diện VKS giữ quyền công tố, các đồng phạm có vai trò tích cực ở nhóm tội danh bị cáo buộc này có nhiều người là lãnh đạo cấp cao của OceanBank: Bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu – nguyên TGĐ, bị cáo Lê Thị Thu Thủy- nguyên Phó TGĐ, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo Vũ Thị Thùy Dương- nguyên Phó ban Kế toán... Ngoài các lãnh đạo cấp cao của OceanBank, Viện KSND Tối cao còn truy tố tới 34 giám đốc, lãnh đạo ở các chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc Oceanbank trên toàn hệ thống. “Hành vi của 34 giám đốc, lãnh đạo các phòng giao dịch đã giúp sức cho các bị cáo thuộc Hội sở Ngân hàng Đại Dương gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng này...”- đại diện VKS nhấn mạnh.
Trong vụ án này, chỉ duy có nguyên Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm bị Viện KSND Tối cao truy tố tới 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Thị Minh Thu bị truy tố hai tội: Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Hoàn bị buộc hai tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
“Cứu” ngân hàng “sắp chết”?
Bị cáo Hà Văn Thắm được các cơ quan tố tụng nhận định là chủ mưu đầu vụ trong đại án kinh tế thất thoát 2.000 tỷ đồng tại OceanBank nên bị thẩm vấn đầu tiên. Mở đầu lời khai, Hà Văn Thắm cho biết được điều chuyển về nắm OceanBank từ năm 2003. Lúc đó ngân hàng đang mang tên Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng với tổng số vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng. Thời điểm đó ngân hàng này hoạt động yếu kém và có nguy cơ bị Ngân hàng Nhà nước giải tán.
Trước tình hình đó, bị cáo đã góp vốn để “vực dậy” ngân hàng này, rồi được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi từ mô hình kinh doanh nông thôn sang đô thị. Năm 2014, Hà Văn Thắm được bổ nhiệm ngồi vào ghế Chủ tịch Ngân hàng này với việc chiếm giữ hơn 62% vốn điều lệ. “Toàn bộ số cổ phần góp vào ngân hàng đều là thật vì số vốn điều lệ trước đó đã bị Ngân hàng Nhà nước phong tỏa. Thời điểm cuối cùng huy động vốn điều lệ ngân hàng có tổng số khoảng 4.000 tỷ đồng...”- bị cáo Thắm trình bày.
Cũng theo lời khai của Hà Văn Thắm, trong số những cổ đông góp vốn thì PVN là pháp nhân đứng thứ 2 với hơn 20%. Việc góp vốn của PVN khoảng từ năm 2009-2010, bằng tiền mặt theo quy định của pháp luật. Do vậy, PVN được xem là cổ đông chiến lược. Sau PVN là các cổ đông khác: Công ty CP Tập đoàn Đại Dương, Công ty VNT, sau đó là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà.
Về mối quan hệ với bà Hứa Thị Phấn- cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín (sau này là Ngân hàng Xây dựng), Hà Văn Thắm khai: Từ thời điểm trước năm 2009. bà Phấn không có chức danh tại Ngân hàng Đại Tín nhưng là chủ của ngân hàng này vì gia đình bà Phấn nắm giữ cổ phần tại ngân hàng này. “Bị cáo có ký thỏa thuận với bà Phấn về việc tiếp quản Ngân hàng Đại Tín nhưng chỉ là thỏa thuận mang tính dân sự. Sau khi ký bị cáo đã trả 5 tỷ đồng và tiếp quản nghĩa vụ trả nợ của bà Phấn, đồng thời đưa người vào kiểm tra ngân hàng...”- Hà Văn Thắm khai.
Khai tại tòa về mối quan hệ với bị án Phạm Công Danh- nguyên Chủ tịch VNCB, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo cho biết: Vào khoảng năm 2010-2011, Phạm Công Danh là bạn của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Thời điểm này Đánh vậy Oceanbank số tiền 1.300 tỷ đồng để mua khu đất ở sân vận động Chi Lăng. Hà Văn Thắm cho rằng Phạm Công Danh đã lừa bị cáo là điều kiện giải ngân số tiền 500 tỷ cho Công ty Trung Dũng là phải phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dũng tại Ngân hàng Đại Tín. “Một năm sau khoản vay, bị cáo cho người kiểm tra tài khoản thì vẫn tồn tại số tiền này trên hệ thống Ngân hàng Đại Tín nhưng thực tế thì không còn. Bị cáo bị Phạm Công Danh lừa đảo...”- bị cáo Thắm nói.
Hà Văn Thắm cũng thừa nhận khoản 500 tỷ đồng cho Công ty Trung Dung vay là có sai sót, vi phạm trong đánh giá tài sản thế chấp nhưng bị cáo xin HĐXX xem xét tình tiết đã ràng buộc trách nhiệm trong việc phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín. “Việc Oceanbank không thu được nợ là trách nhiệm của Ngân hàng Đại Tín...”- Hà Văn Thắm biện minh.