Pháp luật

Xét xử vụ án tại nhà xuất bản giáo dục: Bị cáo Nguyễn Đức Thái nhận 24 tỷ đồng từ doanh nghiệp

Nhật Thu 15/01/2025 10:49

Bị cáo buộc nhận hơn 24 tỷ đồng từ doanh nghiệp cung cấp giấy in, bị cáo Nguyễn Đức Thái khai đã sử dụng cá nhân hết, không mua tài sản gì, cũng không biếu tiền ai.

Anh bai tren
Bị cáo Nguyễn Đức Thái khai báo tại phiên tòa. Ảnh: N.A.

Ngày 14/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử cựu Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Nguyễn Đức Thái cùng 7 đồng phạm trong vụ án sai phạm đấu thầu xảy ra tại cơ quan này.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục) bị xét xử về tội “nhận hối lộ”. Bị cáo Tô Mỹ Ngọc (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng), Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) cùng bị xét xử về tội “đưa hối lộ”.

Nhóm cựu cán bộ NXB Giáo dục, gồm Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing), Đinh Quốc Khánh (cựu Phó trưởng phòng In, Phát hành), Hoàng Lê Bách (Phó Tổng Giám đốc), Lê Hoàng Hải (Phó Tổng Giám đốc), Phạm Gia Thạch (thành viên HĐQT) bị xét xử về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Tô Mỹ Ngọc xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Được doanh nghiệp “cảm ơn” hơn 24 tỷ đồng

Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Đức Thái thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố và trình bày rằng Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh có đến gặp và nhờ tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp này được tham gia cung cấp giấy in.

Theo lời bị cáo Thái, khi đó mới về NXB Giáo dục nên chưa nắm được các chủng loại giấy. Khi các bị cáo Ngọc và Minh đến gặp thì đều trình bày việc họ đã cung cấp giấy cho NXB ổn định nhiều năm trước, chất lượng giấy tốt, giá cả cạnh tranh.

Về việc áp dụng phương thức chào hàng cạnh tranh, bị cáo Thái cho rằng bản thân đã căn cứ vào tham mưu của Ban chỉ đạo lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư, tham mưu của các cán bộ lâu năm để ra chủ trương. “Sau này bị cáo mới nhận ra việc áp dụng phương thức này là không đúng quy định” - cựu Chủ tịch NXB Giáo dục thừa nhận.

Theo cáo trạng, sau khi trúng thầu, các công ty của bị cáo Ngọc, Minh đã đến gặp cảm ơn cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái. Trong đó, bị cáo Ngọc thường đến cảm ơn vào dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tổng số tiền bị cáo Thái đã nhận của bị cáo Ngọc là hơn 20 tỷ đồng. Còn bị cáo Minh đến cảm ơn vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam và đưa hơn 4 tỷ đồng.

Số tiền này, bị cáo Thái khai rằng đã sử dụng cá nhân hết, không mua tài sản gì, cũng không biếu tiền ai.

Tại tòa, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục cho biết đã khắc phục toàn bộ số tiền hơn 24 tỷ đồng trong vụ án và đề nghị tòa xem xét giải tỏa kê biên tài sản.

Cân đối thu chi, “cắt lại” một phần mang đi cảm ơn

Khai báo tại tòa, bị cáo Nguyễn Trí Minh cho biết bản thân đã hợp tác với NXB Giáo dục từ lâu; và có trình bày với ông Thái về việc công ty của mình đã cung cấp giấy cho NXB với giá cạnh tranh, phục vụ tốt, chất lượng tốt và xin tiếp tục là nhà cung cấp. Sau khi nghe vậy, bị cáo Thái đồng ý xem xét hợp tác với Công ty Minh Cường Phát.

Theo lời khai của bị cáo Minh, sau khi được trúng thầu, bị cáo cùng nhân viên đi biếu tiền cho cựu Chủ tịch NXB Giáo dục.

Bị cáo Nguyễn Trí Minh khẳng định bản thân không bị ép buộc hay thỏa thuận việc đưa tiền “cảm ơn” tới lãnh đạo NXB Giáo dục. Theo lời khai của bị cáo Minh, sau khi trúng thầu sẽ trừ đi các chi phí, yêu cầu kế toán báo cáo lợi nhuận và từ đó “cắt lại” một phần mang đi cảm ơn.

Trước bục khai báo, bị cáo Minh mong Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết trong vụ án để tuyên phạt mức án thấp nhất; đồng thời khẳng định không có thỏa thuận gì với bên nhận.

“Bị cáo không nghĩ hành vi biếu quà của mình là vi phạm pháp luật. Sau khi được Viện Kiểm sát, luật sư phân tích, bị cáo mới nhận ra hành vi phạm tội của mình” - bị cáo Nguyễn Trí Minh phân trần.

Hồ sơ vụ án thể hiện năm 2017, Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch NXB Giáo dục. Theo đề nghị của Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát, bị cáo Thái đã chỉ đạo thực hiện việc đấu thầu giấy in sai quy định.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Đức Thái và nhóm bị cáo lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định của Luật Đấu thầu, nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực; tiết lộ thông tin trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu, thông đồng và hợp thức hóa thủ tục đấu thầu để tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được cung cấp giấy in cho NXB Giáo dục. Hành vi này gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử vụ án tại nhà xuất bản giáo dục: Bị cáo Nguyễn Đức Thái nhận 24 tỷ đồng từ doanh nghiệp