Ngày 13/5, phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia tại tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra với việc các luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo. Tại phiên xét xử nhiều bị cáo khai nâng điểm do nể nang nhau.
Bị cáo Bùi Thanh Trà khai báo tại tòa ngày 13/5.
Nâng điểm do nể nang?
Tại phiên xét xử buổi sáng 13/5, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) khai rất hối hận vì đã nâng điểm bài thi trắc nghiệm. Bị cáo Tuấn khai, bản thân được Đỗ Mạnh Tuấn - Phó hiệu trưởng trường nội trú Lạc Thủy nhờ nâng điểm và nể nang nên nhận lời. “Tôi bảo không giúp, nhưng anh Tuấn vẫn đưa tôi xem danh sách và nói có chống lưng rồi, lo gì”- bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn trình bày.
Bị cáo này cũng cho rằng, vì tình cảm, nể nang Mạnh Tuấn đã giúp đỡ lên Sở và còn cho ở nhờ nên mới phạm tội. Khi luật sư đặt câu hỏi, Đỗ Mạnh Tuấn có hướng dẫn khai báo gian dối không thì bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn khẳng định là có. “Khi lên công an tỉnh khai báo hành vi phạm tội của mình và gặp ở nhà vệ sinh, anh Mạnh Tuấn nhắc bị cáo khai sai về số thí sinh nhờ, khai là cùng cầm chìa khóa vào phòng thi”- bị cáo Khắc Tuấn trình bày.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên - nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) cho biết, lý do yêu cầu các giám khảo phải chấm theo hướng nâng điểm vì nể nang. Bị cáo Liên cũng cho biết đã đề nghị các giám khảo chấm có lợi cho học sinh của tỉnh, nhưng không hề ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu. Bị cáo Liên nói: “Về chuyên môn, chấm thế nào do các giáo viên. Tôi không có chỉ đạo với bất kỳ trường hợp nâng điểm nào cụ thể. Cáo trạng nêu tôi có động cơ vụ lợi cá nhân, nhưng động cơ của tôi là do nể nang”.
Tại tòa, bị cáo Bùi Thanh Trà - giáo viên kiêm tổ trưởng chấm thi môn Ngữ Văn khẳng định không có vụ lợi trong việc yêu cầu giám khảo nâng điểm. Bị cáo Trà lý giải chấm thi “nới tay” vì môn Ngữ văn có dung sai, quan điểm của mỗi giáo viên khác nhau. Tâm lý là trong trường hợp nào cũng giúp được các em có cơ hội được lấy bằng tốt nghiệp và có cơ hội việc làm.
Hiệu trưởng trường chuyên hối hận
Tại phiên xét xử buổi chiều ngày 13/5, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi đưa hối lộ 300 triệu đồng để nâng điểm cho 2 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Theo truy tố, bà Trần Thị Liên (mẹ thí sinh G) và bà Hà Thị Thúy Liễu (mẹ thí sinh Đ) đã nhờ bị cáo Hồ Chúc - giáo viên Trường THPT Thanh Hà giúp con mình vượt qua kỳ thi. Ông Hồ Chúc nhận lời và tìm gặp, đặt vấn đề nâng điểm với Đỗ Mạnh Tuấn - ủy viên chấm thi trắc nghiệm. Đỗ Mạnh Tuấn sau đó can thiệp bài thi, nâng 14,95 điểm trong 5 môn thi của thí sinh G và nâng 18,8 điểm trong 5 môn của thí sinh Đ. và cả 2 em này sau đó đều đỗ đại học. Khi có điểm, các bà Liên, Liễu đã đưa 300 triệu đồng cho Chúc để Chúc đưa cho Đỗ Mạnh Tuấn.
Tại tòa, bị cáo Hồ Chúc thừa nhận hành vi phạm tội như trên, cho biết trước kỳ thi đã gặp Đỗ Mạnh Tuấn nói mình có 2 đứa cháu tham gia kỳ thi, Tuấn xem giúp đỡ các cháu. Tuấn bảo bị cáo chuyển họ tên, số báo danh cho Tuấn.
Nói về lý do bị cáo Hồ Chúc khẳng định giúp các em vì nể nang do phụ huynh của em Đ. cùng là giáo viên trong trường mình còn phụ huynh em G. là bạn thân. Bị cáo Hồ Chúc cũng khai, không hứa hẹn vật chất với 2 phụ huynh hoặc với Đỗ Mạnh Tuấn. Khi có điểm, ông Chúc chỉ đưa giúp túi đựng tiền, không biết có bao nhiêu và đến giai đoạn điều tra mới được thông báo bên trong có 300 triệu đồng.
Khi được hỏi về vấn đề trên, phụ huynh Trần Thị Liên phủ nhận việc đưa tiền cho Hồ Chúc, nói không nhờ nâng điểm. “Tôi tin tưởng con tôi làm bài được, đi thi về cháu cũng bảo làm bài tốt nên tôi không suy nghĩ gì. Tôi không đưa tiền cho Hồ Chúc”, Liên nói. Khi bị Thẩm phán truy vấn vấn đề trên, bà Liên trình bày: “Tôi không nhờ anh Chúc việc gì. Anh ấy là bạn chồng tôi. Mãi sau này khi cơ quan công an điều tra đưa về, tôi mới biết con tôi được nâng 14,95 điểm. Tôi khẳng định không có việc đến nhà chuyển tiền cảm ơn”.
Còn phụ huynh Hà Thị Thúy Liễu (mẹ của thí sinh Đ.) nói không đồng ý lời khai của bị cáo Hồ Chúc vì bà không đưa tiền, không nhờ chạy điểm.
Tại tòa, bị cáo Lê Thị Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ cho biết rất hối hận khi giúp nâng điểm cho 8 thí sinh. “Hôm nay bị cáo thấy rất nhục nhã, rất đau buồn. Tất cả anh chị em ở đây là giáo viên, bao nhiêu năm công hiến cho ngành giáo dục”, bị cáo Hồng trình bày. Bị cáo Hồng cũng cho rằng, việc làm của bản thân bị cáo và các bị cáo khác sai, vi phạm quy định pháp luật. “Tư duy bị cáo là học đến đâu không quan trọng, quan trọng là sự cố gắng. Bị cáo do nể nang và do quan điểm phụ huynh bây giờ quan trọng điểm số nên phạm tội”, bị cáo Hồng nói.