Xiết chặt kỷ cương

Kiên Long 03/10/2015 09:19

Những ngày qua, sự kiện Tòa cao ốc 8B Lê Trực- Hà Nội đã làm xôn xao dư luận không chỉ ở Thủ đô mà cả nước. Sai phạm của công trình này đã được chính UBND TP Hà Nội vạch rõ. Cũng từ đây, cho thấy vẫn còn không ít những lỗ hổng trong quản lý, tầm nhìn, việc thực hiện quy hoạch, nhất là vai trò trách nhiệm của những tập thể, cá nhân. Việc giữ vững kỷ cương, xiết chặt kỷ cương pháp luật luôn luôn là yêu cầu đặt ra, không thể mãi để xảy ra chuyện những “con voi chui lọt lỗ kim” như vậy.

Xung quanh vụ việc, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến, yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, báo cáo. Báo cáo của UBND TP Hà Nội đã khẳng định chủ đầu tư đã xây sai phép cả về quy mô, khối tích công trình; cả về chiều cao và chiều rộng, vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và kiến trúc cảnh quan khu vực.

Cụ thể, công trình cho phép xây 18 tầng, nhưng đã xây 19 tầng; độ cao cho phép xây dựng 53 mét, đã xây vượt 16 mét; diện tích cho phép 30.000 mét, xây dựng đến 36.000 m2.v.v. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn cho rằng họ làm đúng theo quy định pháp luật, được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Thành phố Hà Nội đang khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, đề xuất hướng xử lý.

Còn như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Nếu cần thiết thì Thủ tướng sẽ lập đoàn thanh tra làm kỹ trước khi xử lý vụ việc, quan điểm là xử lý nghiêm trước pháp luật.

Sai phạm rồi sẽ được các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ. “Con voi” đã phơi ra giữ thanh thiên bạch nhật. Mọi hoạt động, hành vi đều sẽ phải được giám sát chặt chẽ từ dư luận cho đến tai mắt của mọi người dân. Công trình sai phạm cũng như trách nhiệm của các các nhân, tập thể rồi sẽ phải xử lý theo các quy định của pháp luật. Vậy nhưng, người ta rất lấy làm tiếc với một công trình lừng lững ngay giữa trung tâm Thủ đô. Vì sao sự việc không được ngăn chặn, kiên quyết ngay từ ban đầu? Ngay từ khi quy hoạch, cấp phép, thậm chí ngay trong quá trình giám sát xây dựng? Sai phạm của chủ đầu tư đã thể hiện ngay từ khi xây dựng móng, chưa có giấy phép.Các cơ quan liên quan cũng đã hỏi thăm, nhưng rồi sai phạm vẫn hoàn sai phạm. Để rồi đến nay khi công trình đã gần hoàn thiện, sai phạm càng lớn, dư luận, công luận lên tiếng các cơ quan chức năng mới tích cực vào cuộc, và việc khắc phục sai phạm thật không dễ.

Câu chuyện xây dựng không phép, sai phép, nhà siêu mỏng, siêu méo vốn là vấn đề phức tạp lâu nay không chỉ riêng Thủ đô. Nếu như trước kia, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, các cơ quan hành chính còn lắm nhiêu khê gây ra một phần tình trạng chậm cấp phép, dẫn đến xây dựng không phép, sai phép đã đành. Nhưng những năm gần đây, cùng với hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, việc cải cách hành chính đã có nhiều kết quả, thế nhưng vẫn xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Thậm chí khá nhiều công trình lớn, nhiều tầng vẫn xây dựng không phép. Kiểu vi phạm pháp luật này không còn đổ lỗi cho khách quan, cơ chế mà là do ý thức pháp luật, sự cố tình vi phạm, coi thường kỷ cương, phép nước.

Sự cố tình vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước đã gây ra nhiều hệ lụy. Trong lĩnh vực xây dựng không chỉ làm phá vỡ không gian, cảnh quan mà tạo ra những tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan quản lý, làm mất đi sự tôn nghiêm của pháp luật. Nhà đầu tư, cá nhân đầu tư do quá ham mê lợi nhuận, hay cậy có những thế lực che chắn mà làm liều. Vì sao cơ quan chức năng, chuyên môn, nhiều khi cũng nhắm mắt làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho sai phạm?

Với hiện trạng công trình tại 8B Lê Trực, dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc tuân thủ pháp luật ngay từ các cơ quan chuyên môn, cơ quan có trách nhiệm cấp phép, giám sát cho đến chủ đầu tư xây dựng. Với một địa điểm vàng như trên, vấn đề cấp phép, xây dựng càng phải được tuân thủ quy hoạch một cách nghiêm túc.

Theo quy hoạch trước đó, trục Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương được phê duyệt từ 1998, khu đất nói trên với chức năng xây dựng nhà ở chỉ cho phép mật độ xây dựng 40%, hệ số sử dụng đất 2 lần, độ cao 5 tầng. Dù có điều chỉnh quy hoạch, việc xây dựng cũng chỉ cho phép xây dựng cao 11 tầng. Thế nhưng cơ quan chức năng đã cấp phép mật độ xây dựng đến 64%, rồi cao đến 18 tầng. Cơ quan cấp phép buông lỏng, chủ đầu tư lại “thấy bở đào thêm”, để cái khối sai phạm càng phình to thêm. Ở đây, tất cả đã vì lợi nhuận, đồng tiền.

Cơ quan chức năng thì cho rằng “để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, còn chủ đầu tư thì làm sao có lợi nhuận cao nhất- không chỉ tính đến trung tâm thương mại, nhà cho thuê, mà mỗi mét vuông nhà chung cư ở đây giá cao gấp rất nhiều lần nơi khác. Nếu như khu đất kia ưu tiên cho việc xây trường học cho các cháu như kiến nghị của cử tri nơi đây thì họ lấy đâu ra tiền?

Tình trạng vì cái lợi trước mắt, sự buông lỏng của cơ quan quản lý đã thể hiện ở rất nhiều nơi, từ công trình lớn của các công ty, tập đoàn lớn cho đến công trình nhỏ ở các địa bàn dân cư. Mỗi ô đất, khu đất, người ta thường thiết kế xây dựng sao cho có lợi nhất. Không ít khu chung cư không tuân thủ đúng khoảng cách, chiều cao, vi phạm tỉ lệ giao thông, cây xanh, phòng cháy, chữa cháy. Không ít các khu dân cư, nhà nhà lấn ra đường, con ngõ quy hoạch 3 mét có khi chỉ còn 2 mét...Sự vi phạm lại được sự tiếp tay làm ngơ của các cán bộ quản lý, giám sát thiếu trách nhiệm dẫn đến những tồn tại, hậu quả khó khắc phục.

Nâng cao trách nhiệm quản lý, xiết chặt kỷ cương là việc luôn phải làm thường xuyên. Quy hoạch chung, riêng phải được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, theo đúng quy định pháp luật. Với các đối tượng chỉ biết đến lợi nhuận, đồng tiền thì càng cần phải giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương cũng phải được làm thường xuyên.

Đã có không ít doanh nghiệp, cá nhân lấn chiếm, vi phạm từng cm mét đất, nhưng cũng có không ít người dân sẵn sàng hiến hàng trăm mét đất, hàng ha đất để xây dựng trường học, bệnh viện, làm đường giao thông. Họ đã vì lợi ích tập thể, lợi ích tương lai chứ không vì cái lợi trước măt, cái lợi cá nhân, vì cái lợi, cái đẹp chung lâu dài của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xiết chặt kỷ cương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO