Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức một hội nghị đặc biệt, triển khai kế hoạch lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với việc đề nghị công nhận thành phố Tam Kỳ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nói đặc biệt là bởi trước khi cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân đã được hỏi ý kiến. Việc này, hiểu theo nghĩa thông thường là dù đã đạt đủ tiêu chí nhưng vẫn cần phải nghe người dân xem có phải là chuẩn thật hay không.
Việc xin ý kiến nhân dân của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam theo hình thức phát phiếu, được thực hiện ít nhất đối với 60,77% số hộ gia đình của 13 xã, phường trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Theo đó, để được công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) phải có trên 80% số hộ được lấy ý kiến hài lòng (tương ứng với 14.111 hộ) ở 10 câu hỏi đầu tiên liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị... đồng thời phải đạt trên 90% số hộ được lấy ý kiến hài lòng ở câu 11 về nội dung kết quả xây dựng NTM trên địa bàn địa phương này.
Có thể thấy, việc “xin ý kiến nhân dân” được Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam đưa ra rất cụ thể, trúng vấn đề. Thường thì soi vào các tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM, các cấp có thẩm quyền thấy đủ là công nhận. Sau đó, người dân biết xã mình đã đạt chuẩn NTM, rồi thì chuẩn bị cho buổi lễ và liên hoan đón nhận bằng công nhận.
Việc công nhận đạt chuẩn NTM tất nhiên phải dựa trên các tiêu chí đã được quy định rõ ràng, trên cơ sở đó các cơ quan chức năng sẽ rà soát được hay không. Thường thì vẫn vậy. Nhưng quả thực, việc hỏi nhân dân xem với các tiêu chí cụ thể địa phương mình có xứng đáng trở thành xã NTM hay không là việc làm rất hay. Trước hết, nó hạn chế được bệnh thành tích của lãnh đạo địa phương khi nhiều nơi “bằng mọi giá” phải sơm sớm lấy được cái bằng công nhận NTM. Thực tế cho thấy, nhiều nơi được công nhận NTM xong thì nợ đầm nợ địa, nhất là nợ xây dựng cơ bản mà chủ yếu là tiền doanh nghiệp ứng trước làm đường giao thông nông thôn. Người dân rất không hài lòng khi cán bộ chỉ vì quá mong xã mình đủ tiêu chí để được công nhận danh hiệu NTM nên đã đặt gánh nặng nợ nần lên vai bà con một cách vô lý. Có danh hiệu NTM xong thì làng xóm phải vui vẻ, cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của từng người dân phải được nâng lên; nhưng nếu đón bằng công nhận rồi mà không khí làng xóm lại nặng nề hơn, râm ran tiếng bấc tiếng chì thì NTM cũng chẳng để làm gì.
Cho nên, tiêu chí cứng là vậy, cơ quan có thẩm quyền xét trên từng tiêu chí là vậy, nhưng còn người dân có đồng thuận không, có phấn khởi hay không vẫn là chuyện phải lắng nghe. Vì rằng, xây dựng NTM là do dân, đối tượng thụ hưởng thành tựu NTM cũng chính là dân, thì bà con phải được có ý kiến. Nói rõ ra là bà con có thấy hài lòng thật không, có còn “lăn tăn” chuyện này chuyện kia hay không, có thấy xã mình được công nhận NTM là xứng đáng hay không.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu, trong chuyến công tác tại Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ công nhận xã Quế Phú, huyện Quế Sơn đạt chuẩn NTM. Chia vui với bà con, với chính quyền địa phương, Thủ tướng tâm tình, chúng ta phải làm sao nâng cao mức sống của người dân, cả vật chất và tinh thần, để đời sống người dân sung túc hơn, “đó mới chính là mục tiêu của NTM”. Còn trạm xá, trường học, giao thông… là phương tiện, là điều kiện; cuối cùng vẫn là đời sống của bà con. “Chúng ta phải luôn luôn suy nghĩ, trăn trở vấn đề này để nâng cao mức sống cho nhân dân”-Thủ tướng nói đồng thời nhắc nhở cần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, để hệ thống ấy sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, lo cho dân nhiều hơn; không được cửa quyền, hách dịch, xa dân, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu dân, không để xuất hiện “lớp lý trưởng mới” ở nông thôn.
Như vậy là người dân không chỉ cho ý kiến về các tiêu chí để cán bộ trình lên để được công nhận NTM có đúng hay không, mà còn giám sát cán bộ xã mình không chỉ trong việc xây dựng NTM. Cán bộ phải gần dân, lo cho dân một cách thực sự chứ không được phép biến mình thành “lý trưởng” như thời phong kiến khi mà tự cho mình cái quyền làm “phụ mẫu” của dân, nói gì dân cũng phải chịu. Dân chủ ở cơ sở chính là đòi hỏi cán bộ phải liêm chính, gần dân, biết tôn trọng dân và dân phải được quyền góp ý chân thành với công việc trong làng trong xã.
Đến nay, cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn NTM; có 87 đơn vị cấp huyện thuộc 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 13,1% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí (trong 19 tiêu chí của NTM). Công cuộc xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì xây dựng NTM cũng chính là làm cho làng xóm giàu có lên, đoàn kết thương yêu nhau hơn. Mà điều đó thì không bao giờ được dừng lại. Trong quá trình ấy, việc xin ý kiến của người dân như cách mà Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam tiến hành trước khi trình công nhận NTM là việc làm đúng đắn và cần thiết.