Sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, với tinh thần ủng hộ, bảo vệ sản xuất, kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quang Hiếu).
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN giảm 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi; 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập mới. Những cải cách mạnh mẽ của hai luật cũng đã được các tổ chức có uy tín như WB ghi nhận trên các chỉ tiêu khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư. Mới đây, chỉ số PCI 2015 cũng ghi nhận đăng ký thành lập DN có bước tiến lớn nhất và có điểm số cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI…Những điều này cho thấy môi trường kinh doanh đã đươc cải thiện nhất định ngay khi hai luật này có hiệu lực.
Dù đã có nhiều thủ tục hành chính được tháo gỡ, tuy nhiên DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liệt kê ra một loạt những vướng mắc mà DN phải chịu trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư và Luật DN. Chẳng hạn, các Bộ, ngành chưa thực hiện việc tâp hợp và công bố công khai các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về DN theo đúng quy định có liên quan của Luật Đầu tư; Chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15 trong 16 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Chưa thống nhất trong cách hiểu của các Bộ, cơ quan về nội hàm “điều kiện đầu tư kinh doanh”. Việc soạn thảo các nghị định có liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế các thông tư, quyết định của các Bộ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 là chậm và có thể ngày 1/7 tới đây phần lớn các nghị định cần thiết vẫn chưa được ban hành hoặc đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực. …
Tóm gọn những cái “chưa” này bằng nhận định về nguy cơ khoảng trống pháp lý, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cho rằng, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn thì mới có thể tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong tinh thần phục vụ DN. Tuy nhiên, như thông tin từ Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, “khi Bộ Tư pháp yêu cầu các bộ, ngành tự rà soát, tổng hợp lại đến nay mới có 2 bộ có báo cáo, tiến độ rất chậm. Trong khi, có hơn 300 văn bản cần rà soát lại”.
Cơ chế thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. (Ảnh: An Hiếu).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông thì nêu thông tin, sau 10 tháng kể từ ngày có hiệu lực, tính đến nay, Bộ mới chỉ nhận được báo cáo tình hình triển khai hai Luật này của 18 địa phương và 8 Bộ. Ông Đông than phiền rất khó hẹn được lịch làm việc với các Bộ trong việc hợp tác cùng rà soát các luật, có hẹn được thì cũng phải mất hàng tháng và chỉ làm việc với các lãnh đạo Vụ, Cục, còn Thứ trưởng và Bộ trưởng đều báo…bận.
Trong khi việc “cởi trói” cho DN còn khá đau đầu, thì Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành nêu lên một loạt thực trạng rất đáng ngại khi ngừng “siết” DN. Chẳng hạn, những thông thoáng từ việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh của DN như bỏ quy định chứng minh vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề đăng ký kinh doanh tạo thuận lợi cho DN nhưng cũng phải tính toán quy định những điều kiện nhất định bởi trong thời gian qua, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, cơ quan công an đã phát hiện điều tra xử lý rất nhiều DN được thành lâp không hề có hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng, hay còn còn gọi là DN ma, tạo điều kiện hợp thức hóa cho hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá tri gia tăng, tham ô tài sản, hợp thức hóa hàng buôn lậu…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, quyết tâm dứt khoát đến 1/7 này phải xong Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Các Bộ trưởng phải làm ngày làm đêm để hoàn thành, thì mới có thể tạo được niềm tin cho người dân, DN. Không thể để tiến độ rà soát sửa đổi rất chậm như hiện nay, gây nên rủi ro về khoảng trống pháp lý và tạo áp lực lên người dân và DN. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, dứt khoát phải hoàn thành trước 1-7, nếu không, làm sao cởi nút thắt cho DN và tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ hai đạo Luật nêu trên là bước tiến bộ lớn trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhân dân rất ủng hộ và mong chờ. Chính vì vậy, cần tập trung xử lý những vấn đề bất cập liên quan đến việc triển hai hai đạo luật này, với tinh thần là ủng hộ, bảo vệ sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tài sản hợp pháp của người dân, giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là những việc rất quan trọng. “Chúng ta một mặt phải giữ kỷ cương phép nước, nhưng mặt khác cần xóa bỏ những rào cản đối với sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Các bộ ngành không thể vì quyền hạn của bộ mình mà làm trái, làm mất hiệu lực của hai đạo luật Quốc hội đã ban hành”- Thủ tướng nói.