Sáng 19/5, tại Hà Nội, phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) thi đua thực hiện văn hóa công sở”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần xóa bỏ ngay thứ văn hóa không nhúc nhích, để “nước đến chân mới nhảy”, đợi nhắc thì làm, sáng cắp ô đi chiều cắp về, đang trong giờ rời nhiệm sở không có lý do chính đáng”...
Có thể nói, rất nhiều mặt trái trong thực hiện văn hóa nơi công sở của CBCC được người đứng đầu Chính phủ chỉ mặt, điểm tên.
Vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại rất bức xúc về những vấn đề liên quan đến đạo đức công vụ, thực hiện văn hóa nơi công sở đến vậy là bởi, thời gian qua, đội ngũ CBCC cũng đã cố gắng hướng đến sự chuyên nghiệp, phong cách giao tiếp, ứng xử đã có những tiến bộ bước đầu. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở.
Muốn biết tình trạng “Vẫn còn một bộ phận CBCC cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, hành thiếu chuẩn mực” thế nào ắt hẳn cần tiếng nói của nhân dân-những người trong cuộc. Theo số liệu điều tra “chân dung cán bộ, công chức dưới mắt người dân” của TP Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, có đến 60% ý kiến của người dân lo lắng nhất khi đến cơ quan công quyền là phải chờ đợi mất thời gian. Cũng qua điều tra xã hội học trong một đề tài nghiên cứu khoa học “Sự suy thoái đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên ở TP Hồ Chí Minh...” cho thấy, trong 10 biểu hiện suy thoái hàng đầu đáng lo ngại nhất thì có 69,5% ý kiến cho rằng đó là biểu hiện quan liêu cửa quyền.
Có lẽ sự bức xúc của người dân chính là khi đến cơ quan công quyền họ phải chờ đợi quá lâu chỉ để làm một số thủ tục rất đơn giản và sự chờ đợi của họ không được giải thích một cách cặn kẽ. Điều này chỉ có thể lý giải rằng nó xuất phát từ thái độ quan liêu, cửa quyền của CBCC.
Chính phủ đã và đang nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính năng động, hiệu quả và trong sạch - đây là mục tiêu chính của công cuộc cải cách hành chính. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải có một đội ngũ CBCC giỏi về nghiệp vụ và đáp ứng được những chuẩn mực của đạo đức công vụ. Ai trong số chúng ta cũng đều biết đến các câu nói: Cán bộ của ta là công bộc của dân, là đầy tớ của nhân dân... Đó là những ngôn từ tốt đẹp dành cho cán bộ, những người thừa hành công vụ nhưng thực tế lại khác xa và tình trạng quan liêu, hách dịch, tham nhũng vẫn cứ tồn tại. Vì vậy, phải nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của CBCC để họ là những cán bộ “chuẩn không cần chỉnh”.
Chính thức phát động phong trào “CBCC thi đua thực hiện văn hóa công sở”, Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần xóa bỏ ngay tình trạng đợi nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan đang mong đợi.
Văn hóa công sở phải gắn với gia đình và văn hóa xã hội. CBCC phải thực sự nêu gương với người thân trong gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Văn hóa công sở là đúng giờ, không đi trễ về sớm, xóa bỏ thứ văn hóa đang trong giờ rời nhiệm sở không có lý do chính đáng. Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công nhân viên không được bỏ bê công việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân. Thực hành làm hết giờ, làm hết việc, xóa bỏ văn hóa sáng cắp ô đi chiều cắp về. Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu.
Để nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ cho đội ngũ CBCC, TS Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để có chính quyền phục vụ, CBCC cần thay đổi hành vi trong hoạt động công vụ cho phù hợp nền hành chính dịch vụ hướng về lợi ích của dân đồng thời cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Yêu cầu này đòi hỏi người lãnh đạo phải có sự ràng buộc nghĩa vụ trách nhiệm với đơn vị. Người lãnh đạo cũng luôn phải nêu gương và đòi hỏi cao đối với công chức dưới quyền thực hiện đúng nghĩa vụ trách nhiệm. Trong khi đó, hoạt động hành chính dịch vụ còn đòi hỏi tổ chức bộ máy hành chính thích hợp, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Vì vậy, việc phân công phân cấp trách nhiệm rõ ràng; thực hiện “một cửa”; áp dụng những tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ hoạt động hành chính; tạo sự thuận lợi tối đa cho dân cũng là những đòi hỏi cụ thể cần được đáp ứng.
Đặc biệt, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của CBCC phải được đẩy mạnh. Lâu nay hoạt động của nền công vụ thiếu vắng sự giám sát của cộng đồng một cách khoa học, hữu hiệu. Vì vậy, cần tăng cường giám sát hoạt động công vụ của công chức và thực hiện chế độ cam kết phục vụ nhân dân. Mục tiêu của cam kết là để nâng cao hiệu quả phục vụ cũng như mức độ hài lòng của người dân đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ công. Đồng thời cần xây dựng cơ chế, phương thức giám sát của nhân dân nhằm ngăn chặn những hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh của CBCC, làm mất hình ảnh đẹp đẽ của cán bộ trong mắt nhân dân.