Xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân

Tuệ Phương (thực hiện) 22/10/2022 07:20

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các cấp chính quyền trên địa bàn có nhiều hoạt động thiết thực quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); đồng thời đẩy mạnh hoạt động giám sát các Chương trình Mục tiêu quốc gia để góp phần đảm bảo cho bà con từng bước vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đó là khẳng định của ông Lò Văn Mừng - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Lò Văn Mừng.

PV: Điện Biên là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong những năm qua tỉnh đã thực hiện rất tốt chính sách dân tộc nên đời sống của bà con có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chính sách dân tộc đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh?

Ông Lò Văn Mừng: Trong những năm qua, thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững thì đây là 3 Chương trình nằm trong chính sách ưu đãi cho các vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vùng biên giới và hải đảo. Tỉnh Điện Biên là tỉnh nằm ở cực Tây của Tổ quốc, diện tích tự nhiên rộng nhưng dân số bố trí rải rác, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 80%.

Trong những năm qua, các chính sách dân tộc đã được tỉnh Điện Biên quan tâm, thực hiện khá tốt. Nhờ đó, đến nay 129/129 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã được đầu tư đường đến trung tâm xã, đảm bảo đi lại thuận lợi hai mùa mưa, nắng. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm phát triển kinh tế cho các hộ gia đình theo điều kiện cụ thể, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng để đưa các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân như: Phát triển các dự án trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp. Các dự án sinh kế khác như phát triển chăn nuôi cũng đang được tỉnh từng bước triển khai thực hiện.

Thông qua đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đã được các cấp ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp chính quyền từ UBND tỉnh cho đến cấp cơ sở tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngoài vốn từ ngân sách nhà nước, tỉnh cũng huy động các nguồn lực xã hội hóa. Trong những năm qua, tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân quan tâm kêu gọi nguồn vốn để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Năm 2019, tỉnh Điện Biên xóa nhà tạm cho huyện Mường Nhé được 1.500 ngôi nhà; năm 2020, xóa nhà tạm cho huyện Nậm Pồ được hơn 600 ngôi nhà, năm 2021, xóa nhà tạm cho huyện Điện Biên Đông được 1.400 ngôi nhà từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an và nguồn của các địa phương khác giúp đỡ.

Năm 2022, tỉnh cũng đang tiếp tục xóa khoảng 1.500 ngôi nhà nữa từ nguồn kêu gọi xã hội hóa, nguồn kêu gọi từ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh. Đây là nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp của tỉnh Điện Biên trong việc quan tâm xóa đói giảm nghèo cũng như nâng cao mức sống của đồng bào DTTS.

Để đạt được những kết quả đó Điện Biên đã xác định trọng tâm hoạt động như thế nào để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS?

- Hiện nay, tỉnh đang lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia. Vừa rồi, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì buổi làm việc đánh giá lại tiến độ triển khai 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia này. Hiện nay, tỉnh Điện Biên cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện. Tất cả mục tiêu theo từng nội dung của dự án đã được tỉnh tập trung lãnh đạo, triển khai từ việc tiếp tục đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo sinh kế cho người dân. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất cũng đang được tỉnh tập trung triển khai hiệu quả. Từ nay cho đến cuối năm 2022, tỉnh sẽ tập trung phấn đấu trên tinh thần cao nhất để có thể giải ngân hiệu quả các nguồn vốn này.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đang thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, đối với tỉnh Điện Biên các cấp chính quyền cũng như MTTQ đang thực hiện chương trình này như thế nào?

- Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là một trong 3 Chương trình lớn của Chương trình Mục tiêu quốc gia. Theo kế hoạch, UBND tỉnh đang tích cực triển khai còn trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã hội là phối hợp để triển khai theo chức năng, nhiệm vụ. Đối với MTTQ, vai trò lớn nhất đó là tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận để tổ chức triển khai các dự án này xuống tận cơ sở. Còn một vấn đề nữa là ngoài việc triển khai, MTTQ còn phối kết hợp với UBND tỉnh huy động các nguồn lực xã hội, lồng ghép các nguồn vốn để giúp đỡ người dân một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ đạo; đồng thời có kế hoạch cụ thể, chi tiết và phân bổ nguồn vốn này xuống các huyện và các ngành liên quan để triển khai.

Vậy, trong thời gian qua MTTQ các cấp trên địa bàn thực hiện việc giám sát các chính sách dân tộc như thế nào để các Chương trình trên đạt được kết quả như mong muốn?

- Hiện nay công tác giám sát của MTTQ chủ yếu là phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh cùng cấp để tiến hành giám sát 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia cũng như các nguồn lực khác đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Hàng năm, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch, số cuộc kiểm tra và các nội dung kiểm tra ở từng địa phương. Tuy nhiên, với MTTQ thì chưa tổ chức riêng mà cùng phối hợp với các ban, ngành khác. Ví dụ như phối hợp với HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, các văn bản liên quan mà dự kiến trình HĐND tỉnh liên quan đến chính sách của đồng bào DTTS đều được MTTQ tham gia phản biện.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO