Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh éo le tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện kêu gọi, kết nối các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Lê Thị Hội, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Tân (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, gia đình anh Hồ Văn Bôn (31 tuổi) thuộc diện hộ nghèo tại thôn Trằm, xã Hướng Tân.
Cũng theo nữ Bí thư Đảng ủy xã Hướng Tân, dù còn khá trẻ, tuy nhiên, anh Hồ Văn Bôn, chủ hộ của một gia đình 5 nhân khẩu không thực sự nhanh nhẹn như bao người cùng trang lứa; thêm nữa, với việc trồng trọt, chăn nuôi không thuận lợi khiến gia đình này chưa thể thoát khỏi cái nghèo.
Hiện tại, theo bà Lê Thị Hội: Cả nhà họ (gia đình anh Bôn) đang sống trong cái lán trại ọp ẹp, chật chội được dựng tại rẫy nằm tuốt trong rừng.
Tại căn nhà Đại đoàn kết của hộ anh Hồ Văn Bôn, bà Lê Thị Hội nhớ lại, cả quá trình, từ việc thẩm định hồ sơ, khởi công, xây dựng và kể cả việc tìm đất xây căn nhà này… dường như anh Hồ Văn Bôn đều “giao khoán” cho chính quyền địa phương và đội thợ xây làm việc ở đó.
Nhìn căn nhà đang hoàn thiện, bà Lê Thị Hội mường tượng ra cảnh, khi chuyển đến đây sinh sống gia đình anh Hồ Văn Bôn sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn từ chính quyền địa phương, từ bà con lối xóm. Đặc biệt, từ năm học tới việc đến trường học tập của những đứa con anh Bôn sẽ thuận lợi hơn và chắc chắn trong tương lai không xa gia đình này sẽ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đến thôn Lương Lễ (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa), qua giới thiệu của ông Nguyễn Đức Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chúng tôi đến gặp gia đình bà Trương Thị Thuyền (41 tuổi).
Nghe tiếng gọi của khách, cháu Ngô Thị Trang (14 tuổi), con gái bà Thuyền lễ phép trả lời: “Mẹ cháu đi làm rồi, tối mới về ạ!”. Biết chúng tôi đến thăm ngôi nhà Đại đoàn kết của gia đình, Ngô Thị Trang gọi thêm anh trai của mình, Ngô Văn Suy (16 tuổi) ra để tiếp đón khách.
Nhìn vào căn nhà mới, còn vương mùi sơn, Ngô Văn Suy kể lại: “Nhờ có sự hỗ trợ từ Mặt trận và có các cô, dì, cậu, mợ giúp đỡ… mà mẹ cháu mới xây được căn nhà này”.
Đang vui là vậy nhưng được hỏi về gia cảnh của mình, 2 đứa trẻ bỗng xúc động và trầm giọng xuống. Qua lời kể của Suy, Trang, 2 anh em đã phải mồ côi cha từ 7 năm về trước. “Hôm đó, ba cháu đi làm về ghé thăm người thân bị ốm thì gặp tai nạn và mất sau đó”, Ngô Văn Suy xúc động nhớ lại.
Kể từ ngày không còn chồng, bà Thuyên một mình cáng đáng nuôi 2 con ăn học. Để có tiền trang trải cuộc sống, bà Thuyên chính thức trở thành “thợ đụng” và làm mọi việc mà người ta thuê mướn. “Hôm thì mẹ đi thu hoạch keo, tràm; hôm thì mẹ đi phát nương cho họ, có hôm đi làm phụ thợ hồ… để lấy tiền đong gạo, nuôi anh em cháu ăn học”, cháu Ngô Thị Trang tiếp lời anh.
Đến năm 2021, dù đã gắng gượng thật nhiều nhưng bà Thuyên không thể kiếm đủ tiền nuôi 2 đứa con ăn học. Thấy mẹ vất vả, Ngô Văn Suy quyết định bỏ học đi tìm việc làm. “Cháu còn nhỏ, nên ban đầu chẳng có ai nhận vào làm. Sau khoảng thời gian đi phụ mẹ, gần đây, cháu được một chỗ nhận vào học việc rồi”, Ngô Văn Suy nói.
Dường như cuộc sống khó khăn khiến Suy trưởng thành hơn trong nếp nghĩ, em nói: “Đến nay cháu đã được chủ cơ sở cho học việc có lương rồi. Từ nay cháu sẽ cố gắng vừa học, vừa làm và dành dụm tiền gửi phụ giúp mẹ nuôi em học hành đàng hoàng”.
Còn trẻ hơn bà Thuyên nhưng chị Hồ Thị Kiều (30 tuổi; trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) cũng sớm trong cảnh góa bụa. Chồng chị Kiều vừa mất cách đây chừng 1 năm cũng vì tai nạn giao thông và để lại cho người phụ nữ này một mình gồng gánh nuôi 3 đứa con thơ. Trong niềm xúc động, chị nói: “Tôi lấy chồng hồi 22 tuổi. Nay vợ chồng tôi đã có với nhau 3 đứa con 8 tuổi, 6 tuổi và 4 tuổi. Vậy mà nay anh ấy nỡ bỏ lại mẹ con tôi rồi”.
Qua lời kể của chị Kiều, chúng tôi biết, dù còn đang trong độ tuổi lao động, tuy nhiên, gia đình chị Kiều trước đó vẫn nằm trong diện hộ nghèo của thị trấn Khe Sanh. “Tôi quê ở xã A Túc (nay là xã Lìa) quen biết, cưới chồng rồi về sinh sống tại thị trấn Khe Sanh. Bố mẹ chồng tôi đã mất trước đó rồi. Sau khi cưới vì có con nhỏ nên mấy năm qua một mình chồng tôi tự mưu sinh và gần như lúc nào cũng trong cảnh thiếu thốn đủ đường. Ngày trước, 2 vợ chồng nhiều đêm thao thức tâm sự và hứa hẹn cùng nhau vươn lên thoát nghèo, dành dụm tiền bạc chăm lo cho 3 đứa con thơ ăn học”, chị Kiều nghẹn ngào nói về gia cảnh của mình.
Sau khi lo toan công việc của chồng xong, chị Kiều đành lòng để 3 đứa trẻ ở nhà tự chăm sóc nhau để đi tìm việc làm. Hiện, chị đang làm phục vụ tại một quán ăn ở thị trấn Khe Sanh với thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng.
“Thường ngày tôi dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua đồ nấu ăn cho các con rồi 8h chạy đi làm. Mẹ thì đi làm đến 23h đêm mới về, con thì còn nhỏ mà phải để chúng tự chăm sóc nhau trong căn nhà tuềnh toàng, xuống cấp trầm trọng khiến tôi vô cùng lo lắng”, chị Kiều kể lại cuộc sống của 4 mẹ con trước khi có nhà Đại đoàn kết.
Cảm thương cho hoàn cảnh của 4 mẹ con, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết cho gia đình chị Kiều. Nhận được sự hỗ trợ trên, chị Kiều bỏ thêm gần 50 triệu đồng (số tiền mạnh thường quân đã hỗ trợ khi chồng chị mất) để xây căn nhà kiên cố, đủ rộng để cho 4 mẹ con sinh sống.
Nghĩ về cảnh một mình nuôi 3 đứa con thơ, chị Kiều xác định cuộc sống phía trước sẽ còn muôn vàn khó khăn. Dẫu vậy, việc có nhà ở ổn định là niềm động viên to lớn, thiết thực để chị cùng các con nỗ lực vượt khó hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.