Trước nguy cơ sạt lở, xói lở, vỡ đê biển, UBND tỉnh Cà Mau đã buộc phải lên kế hoạch di dời người dân khỏi những vùng nguy hiểm. Các phương tiện và lực lượng hộ đê đã phải ứng trực để chủ động xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Lực lượng cứu hộ của tỉnh Cà Mau đã được huy động để ứng phó với tình trạng sạt lở đê biển. Nguồn: Dantri.
Đê biển Đông, biển Tây đều bị sạt lở
Thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển của tỉnh Cà Mau đã bị mất gần 9.000 ha. Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57.000 m, nhiều đoạn xói lở sâu, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, nhiều năm về trước tình trạng xói lở chỉ xảy ra ở biển Tây, còn biển Đông chủ yếu là bồi đắp. Thế nhưng một vài năm gần đây tình trạng xói lở, sạt lở lại diễn ra ở cả biển Đông và biển Tây với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể bờ biển Đông, tình trạng xói lở đã xảy ra với chiều dài 48.000m, nhiều đoạn xói lở sâu làm mất đất rừng phòng hộ có chiều dài từ 80-100m/năm.
Trước sự đe dọa của sóng biển ở khu vực biển Đông đã và đang đe dọa tới cuộc sống người dân ở khu vực này, Cà Mau đã có Tờ trình hỏa tốc gửi Bộ NNPTNT. Theo đó, hiện còn hơn 23,4km khu vực biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần sớm được đầu tư để ngăn chặn sạt lở, bảo vệ tài sản, sản xuất của người dân cũng như các công trình hạ tầng, các khu cơ quan hành chính, công trình giáo dục, y tế, dân cư... Cà Mau kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 702 tỷ đồng để xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển phía Đông, nhất là tại các cửa biển xung yếu, khu đông dân cư như: Rạch Gốc, Vàm Xoáy, Hố Gùi, Kênh Năm - Kênh Chùm Gọng, Kênh Chốn Sóng - Kênh Năm Ô Rô, Hốc Năng…
Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang diễn biến hết sức phức tạp, tập trung tại các huyện ven biển phía Đông như: Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển. Từ năm 2018 đến nay, đã có trên 3,4km bờ sông bị sạt lở. Theo Sở TNMT tỉnh Cà Mau, hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38km. Đáng chú ý là xuất hiện 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4,8km, liên quan đến hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh trong khu vực cần phải sớm được di dời để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Ông Nguyễn Tiến Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Để khắc phục tình trạng sói lở bờ biển Đông, Tây và sạt lở bờ sông, tỉnh đang áp dụng nhiều giải pháp phòng chống, huy động nhiều nguồn vốn để xử lý; áp dụng nhiều giải pháp phi công trình và công trình, qua đó, đã khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven bờ biển với tổng chiều dài trên 28.700m, với tổng mức đầu tư hơn 956 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, khó lường như hiện nay, Cà Mau đã cập nhật tình hình để báo cáo về Trung ương nhằm kịp thời có phương án hỗ trợ các nguồn lực giúp địa phương thực hiện các công trình, dự án phòng chống sạt lở…
Mới đây, Đoàn của Bộ KHĐT do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu có chuyến khảo sát về tình hình sạt lở ở Cà Mau. Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại tuyến đê bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt triều cường vào ngày 3/8, khiến hơn 300m đê bị uy hiếp nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào đoạn từ Vàm Đá Bạc đến Vàm Kinh Mới thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ngoài ra Đoàn còn khảo sát một số vị trí giao thông trọng yếu của Cà Mau như, khảo sát vị trí xây dựng cầu sông Ông Đốc nối bờ Nam và bờ Bắc thị trấn Sông Đốc, với huyện Trần Văn Thời; khảo sát vị trí xây dựng cầu Cái Nai thuộc huyện Năm Căn, đây là cây cầu nằm trong Dự án trục lộ Đông - Tây Cà Mau và kiểm tra khu vực Mũi Cà Mau.
Qua kiểm tra tình hình thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng với tình trạng sạt lở hiện nay, Cà Mau cần ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở nghiêm trọng, cấp bách, trong đó chú trọng sắp xếp, ổn định cuộc sống cho người dân vùng nguy cơ cao. Về biện pháp lâu dài, ông Dũng cho rằng Cà Mau cần tham khảo, tìm các công nghệ kè bảo vệ phù hợp để tập trung nguồn vốn đầu tư có hiệu quả hơn. Bảo vệ đê biển gắn với tạo bãi trồng rừng phòng hộ, đây là biện pháp quan trọng mang tính dài hơi.
Khẩn trương di dời dân khỏi vùng sạt lở
Thiên tai những năm gần đây đã tác động mạnh mẽ vào một số địa phương ven biển của tỉnh Cà Mau gây thiệt hại nặng nề, ngoài ảnh hưởng của gió bão, giông lốc, người dân khu vực ven biển của Cà Mau còn bị ảnh hưởng do triều cường nước biển dâng, địa phương ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện U Minh. Theo số liệu thống kê của UBND huyện U Minh, chỉ tính riêng khoảng 1 tháng qua, từ tháng 8/2019, giông lốc đã làm sập và tốc mái 102 căn nhà dân, trong đó sập hoàn toàn 48 căn và tốc mái 54 căn, ước thiệt hại hơn 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 806 nhà dân ở xã Khánh Tiến và xã Khánh Hội bị ngập do nước biển dâng, thiệt hại về tài sản hơn 5,1 tỷ đồng.
Song song với việc gia cố tuyến đê biển Tây, Cà Mau khẩn trương di dời dân vào vùng an toàn.
Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, ngày 25/8, UBND tỉnh Cà Mau quyết định sẽ di dời các hộ dân sinh sống ở ngoài đê biển Tây vào khu tái định cư vàm kênh Lung Ranh thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh và khu tái định cư Hương Mai.
UBND tỉnh giao cho UBND huyện U Minh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát nhu cầu tái định cư của các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn huyện, xét thứ tự ưu tiên để làm căn cứ xét duyệt. Rà soát hiện trạng 2 khu tái định cư nêu trên, thống kê số nền chưa cấp, số nền dự kiến thu hồi (do các hộ dân không vào)... trên cơ sở đó có phương án bố trí các hộ mới.
Để đảm bảo chu đáo cho các hộ dân vào nơi ở mới có cở sở hạ tầng, UBND huyện U Minh còn có trách nhiệm rà soát tiếp tục hiện trạng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại 2 khu tái định cư trên để sửa chữa, đầu tư bổ sung, nhằm đảm bảo điều kiện bố trí tái định cư cho người dân.
Công việc phía trước còn rất bộn bề. Tính mạng, tài sản của người dân là trên hết. Mà muốn vậy, thì việc đầu tư xây dựng những tuyến đê biển ở Cà Mau là vô cùng cần thiết.