Xôi oản

Nguyễn Minh Hoa 22/06/2020 15:08

Là xôi, xôi nếp trắng thôi nhưng khi xôi ấy đóng thành oản thì tưởng như những dẻo thơm của nếp mới thực bộc lộ hết.

Những mưa thuận gió hòa là đây, nếp thơm như hương gió mùa lúa chín, nếp lại dẻo như thấm hạt mưa tháng 3. Có khi lại thấy trong những dẻo thơm này có cái lạnh se sắt của mùa cấy sớm, có chân bước vội vớt lúa mùa bão, nhọc nhằn theo nước mắt lo mất mùa, đói kém… Thế nhưng, mọi sự đã qua, để những ngày lễ, ngày hội, những vào mùa hay ngày sóc vọng đong ca gạo nếp trắng ngần thật mát tay.

Xưa nay những chân ruộng cấy thóc nếp thường được kén, và người làng thường có giao ước với nhau, chứ không mấy khi người ta chen một thửa lúa nếp vào giữa những thửa lúa tẻ. Vì hoa lúa thụ phấn nhờ gió, một là lai tạp mất giống, hai là còn bị châu chấu phá nữa. Bao giờ cũng vậy, khi thăm đồng định ngày gặt, thì gặt chân ruộng lúa nếp bao giờ cũng bận hơn. Có người cẩn thận thì chọn tuốt từng bông trước, bó phơi để cất làm giống. Còn thường thì ngày gặt lúa nếp, nhà cửa sân sướng đều được quét tước sạch sẽ, vì gạo nếp mà lẫn tẻ, nấu lẩn sẩn không gì chán bằng. Mà xôi lại thường có trong mâm cỗ chạp, nếu xôi không ngon quan khách, họ hàng nhìn vào, rõ là gia chủ vụng, thanh minh mấy cũng chẳng được.

Nắng nỏ, thóc phơi cả sân, cái đằng thóc nếp mùi thơm cũng khác. Người có nằm nghỉ trưa cũng phải căn giờ dậy đi thóc, nếu không đi thóc chuẩn chỗ khô, chỗ ướt không đều thì khi xay sát cũng chẳng được hạt gạo xóng nuột. Đấy, phơi thóc cũng chẳng phải dễ, không phải có nắng cứ đổ xuống sân phơi mà xong.

Chiều tà, nhìn trời mới chang thóc vào góc sân, nong, nia trong nhà sẵn sàng để đổ thóc vào đấy. Nếu thóc có đủ nắng cũng phải để cho nguội mới quây cót, hay đóng bao. Thóc nếp bao giờ cũng được đong bằng thúng cái, thúng ba cho kĩ. Vì nếu gạo tẻ ăn hằng ngày thì gạo nếp lại phải tính cho các ngày lễ trọng, đồng tiền không phải lúc nào cũng sẵn để đong, mà ngộ nhỡ mua phải đằng nếp ngố, không dẻo thơm như nếp nhà cấy, thế nên bao nhiêu thúng đóng cót, bao nhiêu thúng đem xay sát thường được áng ngay. Có người mỗi lần đi xay sát cả gánh thóc nếp, có bà kĩ tính lại muốn dùng đến đâu mới xay sát đến đấy, nên chỉ cắp một thúng đi xay sát. Gạo về đến nhà lại dần, lại xẩy cho kĩ đến cái mày thóc cũng không còn chứ đừng nói đến thóc hay lẫn hạt sạn. Nói về thóc nếp, gạo nếp là phải tường tận như thế. Còn về oản xôi thì thế này.

Từ ca gạo nếp cái hoa vàng thơm phức phức trong nhà, bà hay mẹ cẩn thận để trong hũ, đậy nắp kĩ tránh gián và kiến, vì thứ gạo này thơm, rất hút lũ ấy. Đã là nếp thì phải đồ mới ngon, nếp phải chín bằng hơi mới dẻo thơm, chứ lười nấu cơm nếp mà chẳng may bị nát thì khó ai nuốt nổi. Chẳng thế mà các cụ ta đã có câu “Chán như cơm nếp nát”. Nếu mai có lễ, dự sẽ đồ xôi thì đêm trước phải ngâm gạo ấy qua đêm, mà phải ngâm đúng cách. Tôi vẫn nhớ từ gương mặt cho đến cung cách của bà tôi khi làm việc này.

Thường thì bà vào buồng trong, bê cái vò sành đựng gạo ra cửa bên, bà đổ gạo ra rá, lấy ca, đong 2 ca ra 1 rá khác, bà đổ lượng gạo rất khéo, thường vừa đúng, thiếu thừa không đáng kể. Xong bà lại đậy nắp, phủ ni-lông buộc dây cẩn thận vòng quanh nắp vò, cất vào nhà trong. Sau đó bà bê rá gạo ra đèn sáng, lật tìm xem còn vảy mày trấu nào không thì nhặt bỏ. Bà ra bể, múc chậu nước mưa, vo kĩ, đổ đi nước gạo đặc, rồi múc 2 chậu khác, xóc tráng xong mới đổ vào chậu ngâm. Bà bảo, ngâm gạo không được nhiều nước vì mai đồ xôi sẽ nhạt mà cũng không được đổ ít nước, gạo không nở hết. Bà ngâm xong, còn cẩn thận lấy rá đậy lên miệng chậu tránh bụi.

Sớm hôm sau cũng là bà dậy sớm, lấy nắm cám, hòa nước đắp chõ, cái nồi nhôm phía dưới, cái chõ đất nung cũ khít nhau bằng đường cám nhỏ, bền chắc. Khi nước vừa sôi, thì cũng là lúc gạo nếp được xóc kĩ, để ráo nước và chộn chút muối hạt. Lửa đượm, chả mấy mà mùi xôi nếp thơm khắp bếp, lan qua sân lên nhà. Bọn cháu mắt nhắm mắt mở hít hà mùi xôi nếp mới và lao xuống bếp phụ giúp bà in oản.

Mâm bầy cạnh bếp, có bát nước, có cái lồng oản gô mít và một cái dùi cũng bằng gỗ mít vát đầu. Trên mâm còn có nắm lá mít, bà thoăn thoắt để cái lồng oản lên lá mít cắt vòng tròn to hơn vòng lồng oản, rồi cứ theo cái mẫu ấy tôi cắt theo cho đến hết. Bà vùi lửa, bắc chõ xuống cửa bếp, đũa cả xới xôi ra bát một lượng áng đủ cho vào lồng. Lồng oản đã lắp núm, dùi trong tay, bà đẩy xôi trắng còn nóng vào lồng dần dần, lèn đến đâu, xôi trong bát vào đến đấy. Không ai ngờ cả bát xôi đã lèn chặt trong cái lồng oản bằng gỗ mít tiện mộc đã gắn bó với bếp nhà tôi bao năm.

Đóng oản không khó, nhưng phải đều tay, một ca gạo xôi, được bao nhiêu cái oản với lồng này đã được tính. Bát đong xôi, chính là cái cữ, mà cũng là cách để xôi lèn chặt, kết dính cả lượn xôi nhuyễn, chắc nịch trong lồng oản và lượng xôi cuối cùng vẫn kết dính ấy nhưng lại tràn ra ngoài lồng tạo thành cái đế. Lúc này cái lá mít được cắt tròn mới để lên đế, để rồi, lồng oản đặt xuống mâm, ấn nhẹ lúm là cái oản trắng được ra khuôn. Muốn in tiếp phải dấp nước cái lồng và cái dùi thì mới không bị dính.

Bà tôi in oản khéo lắm, trăm cái như một, đều và chắc tay, đế vững vàng không quá thô, khiến cái oản xấu, mà cũng không quá hẹp, khiến cái oản tủn mủn, thiếu sự bệ vệ, người kĩ tính lại bảo cách in oản không có đế là hà tiện.

Oản in xong, bầy ra mâm ra đĩa, phần bà để đi chùa, hay đi miếu, phần bà để thắp hương tại gia. Khi bà in oản xong, chúng tôi cũng được chia nhau bát xôi vét chõ, tuy có hơi nát nhưng vẫn thơm ngon vô cùng. Ăn rồi nhanh chóng đi học mà cũng nghĩ ngay đến phẩm oản lộc trưa nay đi học về thể nào cũng có.

Tôi cắp cặp đi học, thì cũng là lúc bà tôi lễ tại gia xong đã khăn vấn, áo the, đội mâm lễ lên chùa. Trên mâm lễ có hương, cau dầu, gói hoa cúc vạn thọ hái trong vườn nhà và đĩa oản xôi. Trên đường tôi đi học cũng thấy nhiều bà vãi lên chùa như bà tôi.

Tan học, tôi không về nhà mà chạy ra chùa đón bà. Nghi lễ chắc đã xong, mùi khói trầm tan trong khoảng sân chùa um tùm, u tịch không ai bảo mà tôi tự thấy sự thành kính. Điều này mãi sau tôi mới hiểu và cắt nghĩa được.

Bà tôi đang quét tước cùng các bà vãi, vài đứa trẻ trong xóm tôi cũng ra đón bà chúng nó. Như hiểu được lòng dạ chúng tôi, một bà đi từ trong bếp ra tay cầm phẩm oản đã xắt làm 4, chia cho mấy đứa bọn tôi, chưa đủ, thì bà lại vào bếp lấy thêm. Một bà khác thì cầm cả nải chuối tiêu chín vàng chia cho mỗi đứa 1 quả. Chúng tôi lý nhí xin, rồi cầm phần của mình nhìn nhau. Chúng tôi nháy nhau ra gốc cây hoa lan để cùng ăn. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi đều hít 1 cái, mùi oản thơm đến lạ, vì có mùi hương trầm, vì cả cái lá mít lót đế oản, rồi vì cả quả chuối chín vàng dính tàn hương. Tôi cắn miếng oản, dẻo đến tận chân răng, nếp không chỉ thơm mà còn ngọt, cái vị ngọt thoang thoảng không bị sộc như đường, không bị gắt như mật. Oản ăn với chuối, chỉ thấy ngọt thơm sao mà quý, mà ít quá.

Tôi theo bà về nhà, mùi oản chuối thơm suốt con đường. Về nhà, bà hạ mâm lễ xuống chõng, 5 phẩm oản xôi đã se mặt ngoài thơm phưng phức, nửa nải chuối chín vàng cũng đang tỏa mùi thơm. Bà vái tạ, xin hạ lễ ra tiên rồi xếp vào cái rổ bảo tôi đem lộc này sang nhà bác cả. Tôi bê rổ lộc sang nhà bác cả mà mùi thơmtrên tay.

Về đến nhà là bà cho riêng tôi 1 phẩm oản, 1 quả chuối, các anh chị tôi không tị bao giờ, đó như 1 đặc ân của đứa út trong nhà.

Tôi cầm phẩm oản trong tay, bóc cái lá mít tròn ra, hít thật sâu, nhấm 1 hạt xôi dính trên đó, rồi lại dán vào. Bà đã bổ tư phẩm oản cho tôi, tôi lấy 1 miếng, thật là dẻo thơm, ăn không cũng đã ngon, tôi cắn miếng sau ăn cho đã thì mới bẻ đôi quả chuối ăn cùng. Là oản, là chuối, đã ăn bao lần mà sao lần nào tôi cũng thấy ngon lạ lùng. Tôi còn bảo bà, bao giờ cháu lớn, cháu đồ cả 2 ca gạo, in oản ăn cho đã. Bà chỉ cười móm mém nhìn tôi, mãi sau mới bảo:

- Học lấy cách mà sau này lớn, anh chị đi lấy chồng còn biết đường mà làm. Oản là phải đóng bằng lồng gỗ mít, lèn chặt tay, có đế. Lót đế phải bằng lá mít mới thơm.

Năm tôi 14 tuổi, bà về trời vào 1 ngày đầu mùa đông. Bố mẹ tôi còn đang công tác, nên cũng bận bịu không tham gia các nghi lễ của làng được, thi thoảng lắm tôi mới được bác cả cho 1 phẩm oản lộc. Tôi cầm phẩm oản trên tay mà nhớ bà vô cùng. Bà tôi vận áo the nâu thẫm lên chùa, cổ áo có cái khuy nhỏ trong suốt mà tôi cứ bảo nó bằng ngọc. Bà dạy tôi mang 10 phẩm oản lên chùa, chỉ nên mang về 5, phần đã thụ lộc, phần gửi nhà chùa chia lộc cho người đến dâng lễ hay vãng cảnh. Ăn bao nhiêu cũng hết, ra đến làng là phải biết trông trông trước sau…

Sau này lớn lên, ngẫm lời bà dạy, tôi mới hiểu “trông trước, trông sau” thế nào và tôi cũng hiểu hơn tại sao những phẩm oản lộc lại ngọt lành, thơm thảo đến thế.

Tôi xếp những kỉ niệm về bà trong trái tim, để mỗi khi trong cuộc sống gặp sự khó nghĩ lại mở ra “trông trước, trông sau” thật kĩ, chẳng so đo những hơn thiệt làm gì, có chăng chỉ bận lòng bởi những đen trắng, hay đúng sai. Và tôi đã thấy bà tôi mỉm cười, tà áo the nâu bay trong nắng, chiếc khuy trên cổ áo lấp lánh, bà chẳng già đi nữa thanh thản hòa vào những đám mây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xôi oản