Trong ca khúc “Gửi người em gái miền Nam”, Đoàn Chuẩn-Từ Linh viết: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng/ Lượm đào phong kín cánh mong manh đóa hoa lòng/Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi, liễu rũ mà chi/Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê/ Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi/ Ngàn phía đến lễ đền/ Chạnh lòng tôi nhớ đến người em”. Đền ở đây là đền Ngọc Sơn bên Hồ Gươm, nơi mà người nào cũng muốn được ghé lại trong những ngày Tết đến Xuân về.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày Tết đến.
Trên đất nước ta, Tết ở mỗi vùng miền đều có một vài nét khác nhau. Thế mới là văn hóa vùng miền. Sự đa dạng hòa lại trong một cái Tết chung của dân tộc.
Với vùng Bắc Bộ cũng vậy, dẫu rằng cái Tết của ngày hôm nay đã khác nhiều so với trước, thì vẫn còn đó một hoài niệm. Ai đó nói rằng, văn hóa là những gì còn lại sau khi đã qua hết. Thì đúng vậy, mấy ngày Tết thời hiện đại dẫu có khác xưa thì người ta vẫn nhớ về ngày xưa như những kỷ niệm êm đềm.
Và cũng may, chúng ta vẫn còn đó phong vị Tết xưa, không gian Tết xưa trong những bài hát, những bài thơ, và cả những thiên tùy bút, khảo cứu. Nó như chiếc mỏ neo vững chãi níu con thuyền lại không để nổi nênh theo dòng nước.
Hẳn lấy làm thú vị khi những ngày này đọc lại văn của Vũ Bằng, Thạch Lam, như thể “hồn xưa dấu cũ” của tết Hà Nội, Tết xứ Bắc một thuở vừa xa xôi lại vừa gần gụi.
Với Vũ Bằng (1913 - 1984) thì “yêu tháng chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đã thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”. Trong văn của ông, Tết không chỉ là khoảnh khắc của sự chuyển mùa mà là ký ức văn hóa. Vũ Bằng viết nhiều về Tết, trong đó có “Chén trà đầu xuân”, “Ngảnh lại trông xuân”, “Tranh gà tranh lợn với ngày tết Việt Nam”… Trong đó, có lẽ tùy bút “Thương nhớ mười hai” của ông với hai chương cuối (Tháng chạp - Nhớ ơi chợ tết; và Tết” thật sự tiêu biểu cho văn chương của ông và cũng là những trang viết lay động lòng người về Tết. Tác phẩm được đặt bút từ Tháng Giêng 1960 và phải mất mười một năm mới hoàn thành (vào năm 1971) với độ dày 250 trang. Dù lúc bấy giờ tác giả sống ở miền Nam nhưng ông đã gửi gắm những hồi ức đẹp đẽ của mình về Hà Nội, với những phong tục của người dân Bắc Bộ. “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng là tháng bắt đầu mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió, ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”- đó là đoạn văn mở đầu những trang văn “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng. Mùa xuân Bắc Bộ trong tâm thức của Vũ Bằng vừa tự nhiên vừa da diết, thực đấy mà mơ đấy.
Trong nhóm Tự lực Văn đoàn, Thạch Lam (1910 - 1942) xuất hiện trong tâm thế một người viết giàu tính nhân văn. Người đời kể rằng, ngoài đời ông là một lãng tử đất Hà thành. Trong truyện ngắn “Cô hàng xén”, Thạch Lam nói tới sự nhẫn nại, hy sinh của người phụ nữ, nhưng với cái nhìn rất tinh tường, tinh tế ông vẫn nhận ra trên đường phố nhộn nhịp: “Các thiếu nữ trong ngày sắm Tết có rất nhiều vẻ đáng yêu. Đi đâu mà vội vàng thế? Về chậm sợ mẹ mắng hay sao? Áo quần không kịp trang điểm, mái tóc không kịp vuốt ve, cho nên có một vẻ lơ đễnh, một vẻ xuềnh xoàng khả ái!
Giờ này là giờ các cô đảm đang, đi mua đi bán, đem cái vui vẻ cho em trai và mẹ già, các cô hết lòng lắm. Chen lấn vào đám đông, không sợ bị chèn ép xô đẩy. Đi guốc cao cho khỏi lấm gấu quần. Và nhất là tự nhiên và dung dị”.
Đó là chốn thị thành nhiều nét phù hoa, còn với khu ở của những người nghèo trong “Gió lạnh đầu mùa”, ông viết: “…Ở ngoài bãi sông, Tết lại có một vẻ riêng đặc biệt. Trông đứa bé đội mũ bông, áo mới dài và rộng, đeo chiếc khánh mạ vàng, nhặt ngòi pháo đốt, thấy cả cái Tết ái ngại và nho nhỏ của cả một vùng”.
Nếu văn xuôi về Tết có vẻ như “khiêm tốn”, thì thơ lại nhiều hơn hẳn. Hình như người làm thơ nào cũng có vài ba bài thơ về Tết. Ở đây chúng ta nói về phong vị Tết Bắc Bộ. Chắc hẳn không ai có thể quên được bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên (1913 - 1996), viết năm 1936:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua…
…Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Bài thơ như thương cảm, nuối tiếc điều gì đó đang mất dần trước mắt. Tiếc lắm nhưng không làm sao níu lại được. Nói như chính nhà thơ thì chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng, ngày Tết không mấy ai sắm câu đối hoặc chơi chữ, ông đồ trở nên thất thế, từ đó ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn”.
Cũng như cụ Vũ Đình Liên, nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913 - 2004) cũng không viết nhiều, nhưng giá trị văn chương thì không thể phủ nhận. Người ta nói rằng, thơ ông viết về Nam Định thuở xa xưa như một cuốn phim tài liệu bây giờ. Đọc thơ của ông thấy cả cảnh đi chợ, họp chợ rồi chợ tan, làng xưa Tết cũ hiện về mồn một trước mắt:
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán
Một thày khóa gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ Nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Một nhà thơ nữa rất danh giá, cũng là người thành Nam, cụ Nguyễn Bính (1918 - 1966) cũng viết nhiều bài thơ Tết. Thật tài tình, chỉ với vài ba câu mà nhà thơ gợi lên cả một trời nhớ nhung:
Có chiếc thuyền nằm trên cát mịn
Có đàn trâu trắng lội ngang sông
Có cô thợ ruộm về ăn Tết
Sương gió đường xa rám má hồng
Hay là câu:
Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
Tết xứ Bắc có nét gì đó xuân tình, nó cứ bảng lảng trong không gian, vấn vít tâm hồn lúc nào không rõ.
Viết tới đây lại nhớ câu chuyện đôi ba năm trước, có người đề nghị bỏ Tết Nguyên đán mà gộp chung vào Tết Dương lịch để đỡ… tốn kém, mà cũng là để… hội nhập với thế giới (!). Lý lẽ, lý luận cũng đủ điều nhưng rồi vẫn không “thắng” được những người yêu Tết ta. Hóa ra, cái gì đã thành ký ức, đã thành truyền thống văn hóa thì nó có sức sống tự thân. Trẻ em bây giờ không mong đến Tết có áo mới nữa, hay là được ăn bánh chưng vì những cái đó có sẵn mỗi ngày, nhưng vẫn trông chờ Tết đến. Người lớn dẫu có tất bật hơn, nhất là những bà nội trợ luôn ca cẩm “bã cả người” thì cũng mong Tết. Mệt nhưng mà vui, mà hồi hộp, mà bâng khuâng. Ngày Tết cũng là ngày của những ước mơ. Đó là những giấc mơ mong sớm thành hiện thực về những gì mình “cầu được ước thấy”...
Như thế mới là Tết, mới là chờ đợi Tết.