Ngày 28/12, trong phần tranh luận, phiên tòa xét xử sơ thẩm các cựu quan chức Agribank, một số luật sư cho rằng, quan điểm tranh luận của vị đại diện VKS giữ quyền công tố còn chung chung chưa cụ thể, chưa thuyết phục, đồng thời còn nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm rõ nên đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, phiên tòa vẫn tiếp tục.
Cáo buộc của cơ quan công tố khẳng định, trong vụ án này, các bị cáo đã lập hồ sơ khống mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền được xác định gần 2.500 tỷ đồng. Xét về hành vi của các bị cáo ngành hải quan (Đỗ Thị Liên Hương, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Lương Thị Yên), công tố viên nhận định: Hương và Hằng là công chức bước 1 tiếp nhận 6 tờ khai hải quan, đã kiểm tra hệ thống và biết doanh nghiệp đang nợ gần 60 triệu tiền thuế nên đã cho phân luồng sơ bộ, đồng thời có đề xuất cho kiểm tra thực tế. Song, sau khi được lãnh đạo chi cục phê duyệt, Hương và Hằng lại nhập dữ liệu vào máy tính thông tin 6 tờ khai của Công ty Enzo Việt được ân hạn thuế.
CQĐT xác định, chính từ việc 6 tờ khai của Công ty Enzo Việt được công chức bước 1 (Hương và Hằng) cho doanh nghiệp ân hạn thuế khi nhập thông tin vào hệ thống kế toán của hải quan và gửi chứng từ cho doanh nghiệp dẫn đến việc thông quan trái pháp luật của công chức bước 3. Đại diện VKS giữ quyền công tố nhấn mạnh, theo quy trình, công chức bước 1 là quan trọng nhất, bởi doanh nghiệp có được kiểm tra, ân hạn thuế hay không, đồng thời lãnh đạo chi cục có xem xét doanh nghiệp được thông quan hay không đều căn cứ vào công việc của công chức bước 1.
“Bị cáo Hằng và Hương cho doanh nghiệp mức kiểm tra sơ bộ, đồng thời nhập vào dữ liệu cho phép ân hạn thuế vào hệ thống. Công chức bước 3 căn cứ vào hệ thống thì đương nhiên trả tờ khai để Công ty Enzo Việt ân hạn thuế và nhận hàng. Hành vi của các bị cáo dẫn tới việc thông quan trái pháp luật...”-công tố viên lập luận.
Để chứng minh CQĐT đã không khởi tố oan, VKS khi truy tố đã không bỏ lọt tội phạm, công tố viên nhận định về hành vi của bị cáo Lương Thị Yên- cựu Phó chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây: “Với chức trách được giao, lẽ ra bị cáo Yên phải kiểm tra lại toàn bộ quy trình, xem công chức bước 1 và bước 2 đã làm đúng hay không. Chính việc bị cáo Yên không xem xét công chức bước 1 ân hạn thuế trên hệ thống đã dẫn đến việc công chức bước 3 cho thông quan trái pháp luật. Theo quy định, lãnh đạo chi cục phải chịu trách nhiệm từ khi mở tờ khai đến khi nộp thuế... 6 tờ khai của Công ty Enzo Việt được thông quan khiến Nhà nước thất thu thuế hơn 13 tỷ hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Yên, Hằng, Hương. Việc truy tố các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ...” - công tố viên khẳng định.
Đối với bị cáo Phạm Thị Bích Lương- cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, vị đại diện VKS giữ quyền công tố nhận định, căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại tòa và tài liệu có trong vụ án đủ căn cứ xác định, khoảng tháng 10/2010, dự án dệt – nhuộm – may đã hết hạn mức cho vay, nhưng Lương đã chỉ đạo các bị cáo khác cho Công ty Enzo Việt tiếp tục vay.
Còn nữa, công ty của Lê Minh Hiếu làm ăn không có lãi nhưng đã được làm lại hồ sơ để vay tiền mà không có tài sản đảm bảo, trái với quy định của pháp luật. Ngân hàng Agribank đã giải ngân số tiền cho Hiếu vay hơn 400 tỷ đồng, vượt hạn mức cho vay.
Sau đó, Hiếu “lại quả” cho Chử Thị Kim Hiền - cựu Phó Giám đốc chi nhánh và Phạm Thị Bích Lương nên hành vi của các bị cáo không chỉ phạm tội vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, mà còn phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đối đáp với công tố viên, luật sư bào chữa cho bị cáo Chử Thị Kim Hiền cho rằng, vị đại diện VKS giữ quyền công tố chưa đối đáp cụ thể, chi tiết đối với từng hành vi của mỗi bị cáo.
“Liên quan đến tín dụng, có nhiều khoản giải ngân, phải có ý kiến của giám đốc chi nhánh và trưởng phòng tín dụng, cần xem xét lại tình tiết này. Đối với khoản 35 triệu USD, bị cáo Hiền chỉ tham gia với tư cách là cầm tờ trình lên cấp trên cho khoản tiền này chuyển đi. Một mình bị cáo Hiền không thể làm được, mà phải là một quy trình. Việc trình phải có báo cáo thẩm định, báo cáo của doanh nghiệp xin vay...” – luật sư bào chữa cho cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội phản biện.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Bích Lương – cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội trong phần tranh luận của mình đã đặt nghi vấn: Một hành vi của bị cáo Lương nhưng đã bị cơ quan tố tụng khởi tố và truy tố hai tội danh là vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Luật sư đề nghị làm rõ hành vi vụ lợi của bị cáo Lương ở đây là gì, bị cáo có chung ý chí, có sự bàn bạc với các bị cáo khác hay không...
Trong hành vi lách hạn mức cho hai công ty của Lê Minh Hiếu (Công ty Lifepro Việt Nam và Vietmade) vay hơn 400 tỷ, Hiếu được nhận 3,8 % cho khoản vay đó, theo luật sư là đúng quy định pháp luật. Luật sư cho rằng, Hiếu mới là người quyết định việc hưởng lợi với khoản 3,8% trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, có sự mâu thuẫn về vai trò tính chất của bị cáo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lương còn cho rằng, vẫn còn hơn 1.000 bút lục bỏ ngoài hồ sơ vụ án, đồng thời nhiều tài liệu liên quan chưa được dịch sang tiếng Việt... nên rất có thể làm thay đổi bản chất của vụ án. Theo đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Lương giữ quan điểm đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số tình tiết trong vụ án.
Hôm nay (29/12), phiên tòa sơ thẩm xét xử các cựu quan chức Agribank sẽ tiếp tục phần tranh luận giữa luật sư và đại diện VKS giữ quyền công tố.